Những tháng cuối năm 2019 đầu năm 2020, thị trường BĐS gặp không ít khó khăn, thách thức từ việc rà soát pháp lý các dự án và nay phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản, cầu cứu các ban, bộ, ngành.
Trước những khó khăn của thị trường, theo thông tin từ VnREA, Hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, cho thị trường phát triển bền vững.
Theo đó, những đề xuất được tập trung vào khâu tín dụng, thuế và pháp lý của loại hình BĐS du lịch.
VnREA kiến nghị giảm lãi suất đối với những hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp và có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất giãn nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế...
Ngoài ra, VnREA kiến nghị hoàn thiện các văn bản pháp luật về BĐS du lịch theo Chỉ thị số 11/CT-Ttg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh theo hướng nghiên cứu bổ sung các sản phẩm shophouse (mở cửa hàng kinh doanh, lưu trú), shoptel (nhà phố thương mại cho phép kết hợp giữa kinh doanh dịch vụ mua sắm và dịch vụ khách sạn) và các sản phẩm tương tự; đồng thời ban hành văn bản về chế độ sử dụng đất đối với các loại hình bất động sản này.
Theo Hiệp hội, Chính phủ, ban bộ ngành đã có nhiều văn bản pháp lý tích cực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các loại hình BĐS mới. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch…gần đây thị trường còn xuất hiện thêm nhiều loại hình mới như shophouse, shoptel và các loại hình tương tự.
Các loại hình BĐS này có nhiều lợi thế cạnh tranh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì thế, VnREA kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung shophouse và những sản phẩm tương tự để giải quyết đồng thời với các sản phẩm bất động sản được đề cập trong Chỉ thị số 11 và ban hành văn bản về chế độ sử dụng đất đối với loại hình bất động sản này.
Về chính sách phát triển nhà xã hội, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Nhà ở, hàng năm nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay từ 3-4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay từ 3-4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được từ 25.000-30.000 tỷ đồng cho người vay mua nhà ở xã hội, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội.
Những thực tế, theo VnREA hiện nay nhiều doanh nghiệp phát triển nhà xã hội phản ánh khó bán sản phẩm do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu phân khúc này còn rất lớn.
Do đó, VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
VnREA còn kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.