Gói tài khóa 180.000 tỷ đồng
Ngày 03/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3, Bộ Tài chính đã có Tờ trình lên Chính phủ về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
So với dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ tại Tờ trình 47/TTr-BTC ngày 26/3, Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung các ngành, lĩnh vực sau vào đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất như sau:
1. Bổ sung một số ngành sản xuất: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;
2. Bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;
3. Bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
4. Bổ sung: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Ngành đồ uống kiến nghị được giãn, hoãn nộp thuế phí
Đóng cửa nhà máy, toàn bộ hàng nghìn công nhân bị nghỉ việc, liên tục 2 tháng hầu như không có doanh thu hiện là tình cảnh của Tập đoàn rượu bia nước giải khát Aroma. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi phí để vận hành bộ máy. Thiệt hại lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng hiện Dự thảo lần 3 gói hỗ trợ thuế vẫn chưa đưa ngành đồ uống vào diện hoãn nộp thuế và tiền thuê đất.
"Nếu doanh nghiệp chúng tôi không được nằm trong các đối tượng miễn giảm thuế và các chi phí khác như tiền thuê đất thì tôi phải khẳng định chỉ một thời gian ngắn nữa thôi chúng tôi không còn đủ nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất. Kể cả sau khi kiểm soát được dịch cũng không còn sức để vực dậy sản xuất kinh doanh để chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện tại chúng tôi không có một đồng doanh thu nào, 2 nhà máy đóng cửa hơn 1 tháng nay", ông Nguyễn Viết Vinh- giám đốc marketing và truyền thông, Tập đoàn Bia rượu nước giải khát Aroma chia sẻ thực trạng với phóng viên VTV.
Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp trong ngành này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết lượng hàng đều không tiêu thụ được. Hơn 200.000 công nhân lao động đã gián đoạn việc làm.
"Không những người lao động tôi nghĩ rằng nguồn thu của Nhà nước cũng bị tác động ảnh hưởng. Hàng năm ngành này đã nộp ngân sách trên 60.000 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét để cho ngành Đồ uống được hỗ trợ. Đặc biệt là ngành như Nước giải khát dù không có gây ra lỗi gì cả nhưng cũng không được xếp vào danh mục thì đây thật sự là thiệt thòi.", ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam kiến nghị.
Trước dịch Covid-19, hãng tin Bloomberg từng đưa ra con số phân tích doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực vào hồi tháng 1. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số bia sụt giảm.
Theo các chuyên gia dự thảo gói hỗ trợ tài khóa hoãn nộp thuế tiền thuê đất dù đã được bổ sung lần thứ 3 nhưng vẫn có thể bỏ sót những ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch Covid-19. Do vậy để tránh phải bổ sung lại nhiều lần Dự thảo phải bao quát được tất cả các đối tượng doanh nghiệp chịu thiệt hại.
"Để bao quát được tất cả các đối tượng chịu thiệt hại thì cũng chỉ cần quy định doanh nghiệp nào bị thiệt hại vì dịch Covid-19 có thể được hưởng đối tượng gia hạn thuế và tiền thuê đất chứ không nên phân biệt ngành nghề", PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương- Giảng viên trường đại học Kinh tế quốc dân phân tích.