Ngày 18/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức hội thảo về Những tác động của Hiệp định CPTPP – EVFTA đối với ngành dệt may Việt Nam.
Thông tin từ hiệp hội, trong 6 tháng đầu 2018, xuất khẩu dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu mặt hàng may mặc ước đạt 12,86 tỷ USD, tăng 15,3%; mặt hàng vải đạt 787 triệu USD, tăng 31,8%; các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như xơ sợi, tăng 19%, vải địa kỹ thuật tăng 16%, phụ liệu dệt may tăng 19%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng ước đạt 10,7 tỷ USD, tăng 15,9%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,8%.
Những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng trưởng, tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Điều này có được nhờ các doanh nghiệp đã thích ứng với sự chuyển dịch thị trường và các quốc gia xuất khẩu cũng đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Các FTA đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Ông Giang cho biết, hiện nay Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dệt may tại Việt Nam, theo sau là Đài Loan, Hong kong.
Mặt khác, việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường sau khi có các hiệp định thương mại cũng không khó khăn như trước. Điển hình như thị trường Canada và Úc, số lượng lớn đơn hàng đã tăng nhanh. Báo cáo hiệp hội dệt may cũng cho biết, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tương đối khả quan. Nhiều công ty đã nhận đơn hàng đến hết năm.
Hội thảo hiệp định CPTPP - EVFTA
Nửa cuối năm, theo Hiệp hội Dệt may, những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam. Công ty trong ngành có cơ hội tiếp cận tới nhiều thị trường, tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải chia sẻ tại hội thảo, hiện nay có 10 hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đang được thực thi. 3 hiệp định rất lớn nếu được phê duyệt sẽ tác động lớn đến ngành dệt may là CPTPP, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ các quy tắc xuất khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới tận dụng được lợi thế từ các hiệp định FTA.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp hiện đang đối mặt với thách thức về hàng rào kỹ thuật và quy trình xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, phí losgictic cũng là điểm hạn chế tại Việt Nam. Hiện nay chi phí vận chuyển tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… Vì vậy, dù có lợi thế nhân công giá rẻ, Việt Nam vẫn bị điểm ‘trừ’ về sức cạnh tranh trong ngành.
Ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đảm bảo quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại .
Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ cao cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với với hoạt động logistics, doanh nghiệp vận tải trong nước cần xây dựng theo chuỗi, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp dệt may.