Theo đại diện Hiệp hội Dệt may, bước vào năm 2018, kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng ổn định song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam Qúy I năm 2018 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22,82%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,69%. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 50,8%.
Thị trường vẫn duy trì mức tăng trưởng khá tại các thị trường lớn. Ví dụ thị trường Hoa Kỳ tăng gần 15% trong 2 tháng đầu năm 2018, các nước trong khối CPTPP tăng 23%, EU tăng 13%, Hàn Quốc tăng 18%, Trung Quốc tăng 46%.
Tuy vậy, các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo toàn ngành vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1-2% thậm chí không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thách thức đối với ngành dệt may đến từ nội bộ ngành, khâu yếu nhất là kéo sợi, dệt vải, nhuộm. Hiện chúng ta đang phải nhập khẩu sợi, vải chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… năng suất lao động chưa cao, lợi nhuận thấp; thiếu nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, một số nước gần đây tập trung hỗ trợ cho dệt may nước họ như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu sợi…
Còn EU áp dụng mức thuế 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar…., Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU.
Cơ chế chính sách đã được Chính phủ, Bộ ngành rà soát tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Dệt may kiến nghị, Nhà nước thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để kêu gọi thu hút đầu tư, tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động. Không khuyến khích doanh nghiệp FDI vào đầu tư sợi, may.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục thuế, hải quan.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế VAT.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012.
Cụ thể, thời giờ làm thêm quy định không quá 12h/ngày, 30h/tháng và 200h/năm (đối với dệt may 300h/năm). Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may vi phạm quy định này do sức ép giao hàng đúng hạn, nếu không sẽ bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng đường hàng không rất tốn kém.
Khi khách hàng đánh giá, những doanh nghiệp vi phạm quy định về giờ làm thêm sẽ bị cắt hợp đồng.
“Đề nghị Nhà nước sớm sửa quy định này, vì đây là quy định chặt nhất khu vực ASEAN, kể cả so với Nhật Bản và Trung Quốc và để tạo điều kiện cho doanh nghiệp không bị cắt hợp đồng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động”.
Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước không tăng lương tối thiểu hằng năm và không lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương. Lương tối thiểu phải là mức lương sàn không được trả thấp hơn cho người lao động chứ không phải là mức lương cơ bản, trong hệ thống thang, bảng lương để mỗi khi doanh nghiệp và tất cả người lao động phải tăng tiền đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn, người dân thì chịu tác động tăng giá tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cho biết quy định về trợ cấp thất nghiệp hiện nay “người lao động đóng đủ 12-36 tháng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp”, điều này tạo ra tình trạng nhảy việc, nhất là đối với lao động trẻ nhiều người vào doanh nghiệp làm đủ 12 tháng là xin nghỉ để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi đi xin làm nơi khác gây biến động lao động và chi phí đào tạo cho doanh nghiệp. Đề nghị sửa quy định thành “đóng đủ 12 -24 tháng bảo hiểm xã hội khi nghỉ sẽ được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp”.
Đồng tình với ý kiến trên, Hiệp hội da giày cũng cho rằng, cần ủng hộ quá trình thay đổi thang bảng lương để giải phóng sức lao động.
"Năng suất lao động ngành da giày Việt Nam mới đạt 0,7 đôi/giờ trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng cải tiến, Bộ ngành cần công bố thông tin để doanh nghiệp Việt Nam biết mình đang ở đâu để phấn đấu chứ không phải thấy như thế là mình oai lắm", đại diện Hiệp hội da giày cho hay.
Đối với địa phương, Hiệp hội Dệt may đề nghị không thu hút các dự án cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn, các tỉnh liền kề cần có sự phối hợp.
Đề nghị Hải Phòng sớm rà soát tính toán lại hợp lý, giảm phí cảng biển đảm bảo nguyên tắc thu phí để bù đắp chi phí đã đầu tư, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp theo quy định của Luật phí và Lệ phí.