Tình trạng của ngành dệt may Việt Nam trong đại dịch Covid-19 có thể hình dung bằng từ: sóng trước chưa xong, sóng sau đã đến.
Đầu tháng 3/2020, các doanh nghiệp Việt chưa kịp vui mừng vì 90% đối tác Trung Quốc đã hồi phục sản xuất, đủ năng lực cung ứng 80% nguyên phụ liệu; thì bệnh dịch bắt đầu lan nhanh ra toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu; khiến thị trường của họ gần như bị đóng băng.
Dưới đây là những cập nhật nhanh về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những kiến nghị từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), sau khi họ có số liệu khảo sát nhanh của 200 doanh nghiệp SMEs – là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.
Nếu Nhà nước không có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, có thể dẫn tới phá sản hàng loạt, đặc biệt là các SMEs
Theo VITAS, hiện tại, các quốc gia phát triển – nơi tập trung phần lớn đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu (chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu) đã rơi vào tình trạng khủng hoảng vì dịch bệnh với tỷ lệ người nhiễm và chết tăng cao chóng mặt. Theo đó, chính quyền Mỹ và châu Âu đã quyết định đóng cửa tạm thời biên giới, thực hiện lệnh hạn chế di chuyển.
Kết quả: dịch bệnh đã kìm hãm tăng trưởng bán lẻ toà cầu, đồng thời phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, nguồn cầu của ngành dệt may Việt Nam bị cắt giảm đột ngột, các thương hiệu lớn trên thế giới đều có động thái dừng và cắt tất cả các đơn hàng, đóng hệ thống cửa hàng trong tháng 3 và 4, thậm chí có nhãn hàng đóng cửa hết tháng 6/2020. Theo tìm hiểu của VITAS, thì tất cả ‘ông lớn’ vừa kể đều không có bất cứ hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đơn phương làm thế.
Đáng nói, không ít doanh nghiệp Việt đã trả một phần hoặc một tỷ lệ không nhỏ cho việc mua nguyên phụ liệu sản xuất. Thực trạng nói trên tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến doanh nghiệp dệt may Việt, làm giảm ngay lập tức việc làm của người lao động, thiệt hại với doanh nghiệp là rất lớn. VITAS đánh giá là có đến gần 100% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng với quy mô, mức độ khác nhau tùy đặc thù từng ngành hàng.
Các doanh nghiệp Việt đã tính đến những giải pháp như cắt giảm giờ làm và cắt giảm nhân sự trong thời kỳ này. Chắc chắn, họ sẽ phải có những quyết định về tài chính và kinh doanh hết sức khó khăn trong năm 2020.
Ảnh hưởng đối với doanh nghiệp làm hàng may mặc là rõ nét nhất với 100% số công ty bị ảnh hưởng, trong đó 70% phải cắt giảm việc làm ngay lập tức trong tháng 3 và 80% doanh nghiệp dự kiến phản cắt giảm lao động tiếp trong tháng 4 và 5. Doanh nghiệp làm hàng sợi – dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn, khoảng 90%; vì có một số doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất dược vải/nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành sản xuất khẩu trang và bộ đồ bảo hộ phòng dịch.
Thế nên, theo VITAS, nếu Nhà nước không có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, có thể dẫn tới phá sản hàng loạt, đặc biệt là các SMEs. "Ảnh hưởng về tài chính đối với toàn ngành dệt may đến tháng 6/2020 là vào khoảng 12.000 tỷ đồng", VITAS cho biết.
6 kiến nghị của VITAS
Nhằm hỗ trợ các SMEs trong ngành dệt may vượt qua được thời điểm nguy khó, VITAS đã có 6 kiến nghị với Tổng cụ Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Đầu tiên, đề nghị Nhà nước miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cho người sử dụng lao động và cả người lao động.
Thứ hai, đề nghị Nhà nước cho doanh nghiệp hoãn nộp các thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2019 và hoãn nộp thuế VAT các loại đến hết năm 2020.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, doanh nhiệp lo 50% còn lại để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động. Nếu trước mắt chưa có chính sách cụ thể về miễn giảm bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì Chính phủ có thể dừng ngay thu phí này từ tháng 3, để giúp doanh nghiệp có nguồn tiền chi trả cho lao động thiếu việc làm.
Thứ tư, kiến nghị Chính phủ có thể chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại: ân hạn, chưa bắt các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn phải trả trong năm 2020; kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng.
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải, bù đắp đơn hàng may thiếu hụt trong khi năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư thừa cho xuất khẩu.
Như thế, Tổng cục Hải quan cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn sửa đổi văn bản số 1431/TCHQ-GSQL ngày 9/3/2020, bỏ yêu cầu kiểm tra thực tế 100% lô hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế xuất khẩu, bỏ yêu cầu trưng cầu giám định vì Bộ Y tế đã khẳng định tại cuộc họp ngày 23/3 ở trụ sở Bộ Công thương ‘khẩu trang vài kháng khuẩn không phải khẩu trang y tế và được xuất khẩu không hạn chế’.
"Bởi, việc chậm hỗ trợ từ Chính phủ có thể khiến đơn hàng rơi vào các đối thủ cạnh tranh", VITAS khẳng định.
Cuối cùng, VITAS sẽ phối hợp cùng Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam kiến nghị với Bộ Ngoại giao Mỹ và đại diện Liên minh châu Âu có những xác minh lại thông tin không đúng của nguồn tin "thị trường Mỹ và châu Âu chính thức dừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam" để doanh nghiệp không bị hoang mang.