Hàng trăm nghìn tấn đường nội bị “đè chết” trong kho
Theo nguồn tin của chúng tôi, năm 2015, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất (TNTX) qua địa bàn tỉnh Lào Cai 220 nghìn tấn đường (chủ yếu là đường Thái Lan), thời hạn thực hiện tái xuất được gia hạn đến ngày 31.12.2017. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp (DN), tỉ lệ thực hiện giấy phép TNTX đường đến hết năm 2017 chỉ đạt khoảng 43,73%, trong đó một số DN đã nhập đường về nhưng chưa xuất được sang Trung Quốc.
Được biết, chủ trương của Chính phủ đã được thống nhất bởi các bộ, ngành là từ tháng 1.2018 trở đi sẽ không cho TNTX sản phẩm đường nữa. Thế nhưng mới đây, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc kinh doanh TNTX mặt hàng đường qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai, gia hạn thực hiện các giấy phép tạm TNTX đường đã cấp đến hết ngày 31.12.2019.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho biết, nếu số lượng đường TNTX được gia hạn đến năm 2019, thì ngành mía đường trong nước “gần như chết chắc”. Chính vì vậy, tại văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội mía đường đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho các DN sản xuất mía đường trong nước, do đó không xem xét gia hạn theo kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công Thương.
“Hiện nay, trong nước vẫn còn khoảng 40 nghìn tấn đường tạm nhập nhưng chưa được các DN kinh doanh tái xuất với lý do “giá đường ở nước thứ 3 quá thấp” - nhưng theo chúng tôi được biết, giá đường tại nước đó đã khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi giá đường trong nước chỉ khoảng 13.000-14.000 đồng/kg. Vì vậy, cố tình gia hạn không tái xuất đường tạm nhập với lý do giá đường tại nước nhập khẩu rẻ là không đúng” - ông Doanh bức xúc nói.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công (Tây Ninh) cũng chia sẻ con số dự báo đầy khó khăn khi đến năm 2025, có thể chỉ còn 15/40 nhà máy đường hiện nay còn hoạt động.
Không mãi “bảo hộ” - nhưng phải cứu ngành mía đường trong nước
Theo ông Phạm Quốc Doanh, đối với lượng đường đã tạm nhập về mà đến nay chưa tái xuất được, Chính phủ không nên gia hạn tiếp, mà đề nghị thực hiện đúng quy định tại khoản 4, điều 11, Chương 3 của Nghị định 187/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Có nghĩa là, lượng hàng này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu, chứ không thể gia hạn thêm để làm khó ngành đường trong nước khi các DN sản xuất mía đường đang gặp muôn vàn khó khăn: Bị nạn đường nhập lậu đẩy giá giảm sâu, các nhà máy phải hoạt động cầm chừng vì đường sản xuất ra không thể bán nổi khiến nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, công nhân lao động ngành mía đường không có công ăn việc làm...
“Tại thời điểm này, mía đường của niên vụ cũ vẫn còn trên 200 nghìn tấn tồn kho, cộng thêm 100 nghìn tấn của niên vụ mới cũng dự báo tiêu thụ rất khó khăn. Nếu để 40 nghìn tấn đường TNTX gia hạn thêm 2 năm nữa, thì lượng đường tồn kho chắc chắn sẽ tăng thêm và có nguy cơ lên đến 500-700 nghìn tấn như thời điểm năm ngoái. Nếu như vậy, các DN sẽ bỏ sản xuất và trở thành các điểm gia công đường cho Thái Lan, ngành mía đường trong nước sẽ bị “chết”” - ông Phạm Quốc Doanh chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đã cùng có văn bản trình lên Chính phủ, kiến nghị lùi thời gian thực hiện ATIGA đối với mặt hàng đường đến năm 2020.