Chủ tịch KOFIA Jo Young Won cho biết đây là lần đầu tiên một đoàn cấp cao của Việt Nam tới thăm và làm việc với KOFIA.
Ông Jo Young Won cho biết hai nước có sự hợp tác rất tốt đẹp. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính tới tháng 5/2019, các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài là 144,5 tỷ USD, nhưng riêng đầu tư vào Việt Nam là 3,5 tỷ USD, tăng gấp 13 lần so với năm 2015.
Hiện có 16 công ty tài chính là thành viên của KOFIA đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian ngắn tới, các công ty tài chính này sẽ ký Biên bản ghi nhớ để cung cấp tài chính, tín dụng mở rộng cho các doanh nghiệp ở thành phố Hải Phòng.
"Dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt Singapore, chúng tôi mong muốn sự hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn nữa, quan hệ giữa 2 nước ngày càng tốt đẹp", Chủ tịch KOFIA hào hứng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cuộc gặp với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Seoul lần này là cơ hội tốt để trao đổi các cơ hội đầu tư và giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam -Hàn Quốc.
Chuyến công tác tới Hàn Quốc lần này của đoàn Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện phiên đối thoại đầu tiên cấp Phó Thủ tướng của hai Chính phủ, với mục tiêu nâng cấp quan hệ đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với mức 6,8-7%, tỷ lệ lạm phát thấp, Chính phủ Việt Nam đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang diễn ra, cấu trúc các dòng đầu tư có sự thay đổi căn bản, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ gặp những khó khăn nhưng hai nước cần đón được cơ hội từ điều kiện hiện nay để tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh.
"Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định và cho biết thêm cuối năm 2018, quy mô thị trường chứng khoán đã đạt trên 80% GDP, hoàn thành trước 3 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Nếu tính cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ thì quy mô thị trường tài chính vượt 110% GDP.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua vào cuối năm nay để có đề xuất căn bản hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Việt Nam cũng có chính sách phát triển thị trường trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp, trong thị trường cổ phiếu sẽ phát triển mạnh thị trường chứng khoán phái sinh và sắp tới sẽ ra mắt sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TPHCM cũng sẽ được sáp nhập để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
"Với điều kiện hiện nay, các ngành nghề khác luôn có "room" cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam sẽ mở cửa thị trường tài chính nhanh hơn trình độ phát triển của quốc gia. Tới đây, chúng tôi sẽ có hình thức cổ phiếu vàng để bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư tài chính nước ngoài", Phó Thủ tướng nói.
Đề cập tới đầu tư hạ tầng tại Việt Nam, ông cho biết nhu cầu của Việt Nam rất lớn, mỗi năm năm cần từ 18-20 tỷ USD để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng. Ngoài vốn đầu tư công thì cần thu hút những nguồn vốn ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội.
"Với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn các bạn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh và cũng muốn có thêm nhiều nhà đầu tư mới đến Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và hạ tầng", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.