Trong công văn trả lời Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của Uber, Grab, Bộ GTVT bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động của Uber và Grab nhưng cho biết đồng thuận với một số biện pháp quản lý và đề nghị Chính phủ cho địa phương không gia tăng phương tiện.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là Bộ GTVT đồng ý với đề nghị dán logo (bao gồm tên, số đơn vị kinh doanh vận tải) phía ngoài xe Uber, Grab.
Trước vấn đề này, trao đổi với Báo Lao Động, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT, phản biện lại việc không dừng hoạt động của Uber, Grab.
Ông Bình nêu quan điểm, cần dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Uber, Grab, để tiến hành tổng kết, đánh giá thực tế triển khai kế hoạch thí điểm loại hình taxi công nghệ.
Ông Bình nói, hiện tại đã nhìn thấy những hệ lụy của "taxi công nghệ" hoạt động tại Việt Nam như hệ lụy về thuế bởi sau 3 năm hoạt động, đến nay cả Uber và Grab đều báo lỗ lũy kế. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt ra câu hỏi, nếu chương trình của họ hay tại sao lại lỗ nhiều đến vậy?
Bên cạnh đó, ông Bình chia sẻ, trong chương trình thí điểm, nhà chức trách Việt Nam không kiểm soát số lượng phương tiện thí điểm nên số lượng xe thí điểm tăng lên hàng ngày, từ 50.000 xe lên khoảng 55.000 xe hoạt động cũng là một trong những hệ lụy.
“Từ những hệ lụy trên, cần dừng ngay thí điểm Uber, Grab nhưng Bộ GTVT lại phớt lờ ý kiến chuyên gia, bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động loại hình taxi này. Vấn đề quan trọng trong kế hoạch thí điểm là phải quản lý chặt chẽ số lượng xe. Bộ GTVT đã thả nổi khiến số lượng xe thí điểm tràn lan”, ông Bình nêu quan điểm.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT siết chặt hoạt động của Uber, Grab. Theo đó, để quản lý tốt, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, Uber, Grab phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
“Hiệp hội sẽ gửi văn bản liên quan đến hai vấn đề, thứ nhất làm rõ chương trình thí điểm Uber, Grab, bản chất của loại hoạt động này là gì, thứ hai, "taxi công nghệ" phải được đặt máy chủ tại Việt Nam để đảm bảo an toàn thông tin.
Nước ta đã ký hiệp định thương mại WTO, trong biểu mẫu hoạt động xuyên biên giới không có điều khoản về dịch vụ kết nối vận tải. Bộ GTVT nên lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để điều chỉnh hoạt động của Grab, Uber tốt hơn", ông Bình nói.
Theo Bộ GTVT, Uber và Grab dù ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhưng bản chất là xe vận tải theo hợp đồng. Ngoài dán logo phía ngoài, loại xe này phải dán dòng chữ cảnh báo "Tính mạng con người là trên hết".