Amcham Việt Nam nhấn mạnh: Tại Việt Nam, cảm giác an toàn đang quay trở lại, đó là điều mà tất cả chúng tôi đều biết ơn.
Tổ chức này cũng đánh giá cao ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong đại dịch là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của mọi người . Tiếp đó là bảo vệ doanh nghiệp, ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế.
"Chỉ thị hạn chế kinh doanh của Chính phủ là điều cần thiết để ngăn sự lây lan của virus", Amcham Việt Nam nhận xét.
Hoan nghênh Việt Nam đã mở cửa hoạt động kinh tế, tuy nhiên, Amcham Việt Nam cho biết hiện các gói hỗ trợ đang chỉ áp dụng cho các ngành công nghiệp trong danh sách được Chính phủ đánh giá bị ảnh hưởng lớn. Đơn cử như vận tải, lưu trú du lịch, nhà hàng... Do đó, tổ chức này khuyến nghị bổ sung thêm một số lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể là ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm chức năng vì đây cũng là ngành bị ảnh hưởng kéo theo do các nhà hàng, bán lẻ, dịch vụ giải trí bị đóng cửa.
"Doanh thu của các công ty đồ uống không cồn đã giảm mạnh trong vài tháng qua và tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo", Amcham Việt Nam cho biết.
Amcham Việt Nam cũng chỉ ra trong khi Việt Nam đã có thể khôi phục sản xuất ở hầu hết lĩnh vực thì nhu cầu trên thế giới với nhiều sản phẩm lại giảm, đặc biệt ở Mỹ. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chính như đồ nội thất, giày dép, may mặc đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Một số ngành giảm đến 70%.
Dự báo của Amcham Việt Nam cho biết lượng đơn đặt hàng và mức bán lẻ tại Mỹ sẽ giảm trong quý II và III/2020. "Trong những tháng khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn giữ nguyên lực lượng lao động để tăng trưởng trong tương lai. Hi vọng Chính phủ hỗ trợ bằng cách cho phép giảm lương hoặc giảm những khoản đóng góp, nghĩa vụ".
Amcham Việt Nam cũng cho biết cần xem xét lại hiệu quả gói tín dụng khi nhiều doanh nghiệp phản hồi không tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp. Các ngân hàng đã từ chối hồ sơ vay vì lo ngại khả năng trả nợ.
Nhận định về cơ hội của Việt Nam, Amcham Việt Nam cho rằng coronavirus đã chứng minh rằng chuỗi cung ứng toàn cầu cần đa dạng và Việt Nam có thể coi là điểm đến đầu tư mới hấp dẫn và tạo ra nhiều tăng trưởng hơn nữa.
"Chúng tôi tin rằng phản ứng hiệu quả của Việt Nam sẽ củng cố vị thế Việt Nam như là 1 thị trường hấp dẫn cho hoạt động M&A trong tương lai".
Để tận dụng cơ hội này, Amcham Việt Nam cho biết cần tăng tốc và thúc đẩy Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, fintech, điện toán đám mây hiện đại. Ngoài ra việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu công nghệ 4.0 và các ngành kinh tế số sẽ giảm đáng kể các chi phí thủ tục hành chính và thời gian cho các doanh nghiệp sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới, có tiêu chuẩn toàn cầu.