Báo cáo mới đây của Cục Hải quan TP. HCM cho biết tính đến hết tháng 10, Chi cục chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TP.HCM đã tiếp nhận 98 tờ khai nhập khẩu 1.478 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin. Thậm chí, một công ty kinh doanh lĩnh vực nữ trang cao cấp đặt tại TP HCM còn đăng ký tờ khai nhập khẩu 100 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo của nhà sản xuất Bitmain xuất xứ Trung Quốc, với tổng giá trị ước tính khoảng 129.000 USD.
Đào bitcoin là thuật ngữ dùng để mô tả việc xử lý và xác nhận thanh toán trên hệ thống bitcoin. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia đào bitcoin bằng cách vận hành một ứng dụng trên máy tính. Một số công ty còn thiết kế ra một phần cứng dành riêng cho việc khai thác bitcoin, giúp việc xử lý các giao dịch và tạo khối mạnh hơn, hiệu quả hơn máy tính thông thường. Để có thể xác nhận giao dịch và gắn kết vào chuỗi blockchain, các thiết bị đào phải giải quyết được những bài toán mật mã đặc biệt với độ khó tăng dần theo độ giảm nguồn cung bitcoin chưa được khai thác.
Theo thống kê của Forbes, hiện nay có tới hàng trăm nghìn siêu máy tính khai thác bitcoin. Ước tính công suất của toàn hệ thống này bằng 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới gộp lại và nhân thêm 1.000 lần. Do cần có năng suất xử lý cao nên lượng điện năng cung cấp cho hệ thống máy tính này cũng rất lớn. Tổng năng lượng điện sử dụng cho mạng lưới bitcoin một năm rơi vào khoảng 31.000 tỷ Wh - lớn hơn lượng điện năng tiêu thụ điện của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính vì lý do đó, các nhà máy đào bitcoin lớn thường được đặt ở những vùng có nguồn điện dồi dào và giá rẻ mà Venezuela là một ví dụ điển hình. Tình trạng lạm phát tăng phi mã và chính sách trợ cấp giá điện đã tạo nên sự bùng nổ khai thác bitcoin. Thỉnh thoảng, hoạt động khai thác mạnh đã tạo áp lực lên mạng lưới điện quốc gia, gây ra tình trạng mất điện trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, một số trang trại trâu cày lớn cũng được chọn để đặt tại vùng thưa dân và có nguồn điện mạnh. Trao đổi tại buổi tọa đàm "Bitcoin và làn sóng blockchain", ông Trần Hữu Đức - chủ tịch CLB Fintech Việt Nam cho biết: "Cũng có một vài bạn startup đã nhập máy đào bitcoin về và lập nên "farm" đào tiền ảo ở Lào và Campuchia, Lâm Đồng và nhiều nơi khác".
Với mỗi khối bitcoin được đào, thợ mỏ sẽ nhận được một phần thưởng tương ứng trả bằng bitcoin. Giá bitcoin tăng lên càng cao, số tiền thưởng càng lớn do đó mức độ cạnh tranh giữa các thợ mỏ càng mạnh. Sự cạnh tranh không ngừng của các thợ mỏ giúp gia tăng sức mạnh của mạng lưới bitcoin. Đây là điều rất quan trọng đối với sự sống còn của hệ thống.
Ông Trần Hữu Đức cũng nhận định: "Với mức giá bitcoin bây giờ thì người đào chắc chắn có lãi". Tuy nhiên, nhiều người đang nhìn nhận việc đào bitcoin dưới con mắt tiêu cực. "Với góc độ công nghệ, hoạt động đào là bắt buộc và nếu không có người đào thì blockchain là vô nghĩa. Họ cũng giống như những người tham gia mạng lưới internet. Nếu không còn ai làm thì giá trị ở đâu?", ông Đức giải thích.
Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch SSI cũng đồng tình với quan điểm trên và nhấn mạnh "kinh doanh tiền ảo và công nghệ phát triển blockchain là hai câu chuyện khác nhau. Trong khi phát triển công nghệ blockchain là hoạt động cần được khuyến khích thì kinh doanh tạo ra đồng tiền ảo để đầu cơ cần phải được kiểm soát tránh tình trạng đa cấp, đổ vỡ".
Nói về tính pháp lý của hoạt động đào bitcoin, luật sư Trương Thanh Đức cho biết đào bitcoin là hoạt động chưa nằm trong danh sách cấm của nhà nước. "Rất khó để có một pháp luật nào quy định rõ ràng về bitcoin. Vì vậy, Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong bitcoin chỉ cấm về hoạt động thanh toán", ông Đức nói.