Các dự án này đi vào hoạt động đã đóng góp từ 10 - 20% tổng thu ngân sách của mỗi địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại vùng dự án đứng chân.
Buôn Bu Dấp ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'lấp, tỉnh Đắk Nông hiện không thiếu những ngôi nhà xây mới. Dân trong buôn chủ yếu là đồng bào M'nông và phần lớn những người trong độ tuổi lao động giờ đều là công nhân của nhà máy nhôm trên địa bàn. Thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng 1 tháng, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn trước kia nhiều.
"Trước đây khi nhà máy chưa thành lập, người dân trong Bon đa số là làm nông nghiệp. Sau đó khi nhà máy thành lập, tôi may mắn được tuyển dụng vào làm, giờ thu nhập so với trước đây đã ổn định hơn", anh Điều Phương, công nhân nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông, chia sẻ.
Còn vợ chồng anh Hòa lại là người nhập cư và trở thành công nhân của nhà máy. 3 năm trước, vợ chồng anh hoàn thành ngôi nhà mới. Từ chỗ phải đi ở thuê, giờ cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định.
"Đi làm công nhân, lúc đầu tôi xác định làm 1 - 2 năm rồi về quê, nhưng vào trong này với mức thu nhập ổn định nên tôi cũng mang vợ con vào. Bây giờ cũng mua đất làm nhà, nhà cửa, kinh tế cũng ổn định nên xem đây cũng là quê hương thứ 2 của mình và an cư lạc nghiệp nơi đây", anh Lê Văn Hòe, công nhân nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông, cho hay.
"Hiện tại người lao động trong nhà máy là khoảng 1.100 người, trên 645 em là người của địa phương này. Chúng tôi bây giờ vẫn theo cơ chế là lấy những người dân trong vùng dự án để đưa đi đào tạo miễn phí, để sau này các em về phục vụ vận hành dự án", ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông, cho biết.
Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, 2 dự án bô-xít tại Tây Nguyên được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế tích cực. Nhà máy alumin Nhân Cơ đang đóng góp gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Đắk Nông và 20% tổng nguồn thu ngân sách của địa phương này.
"Chúng tôi xác định rằng ngành khai khoáng bô-xít alumin nhôm ở Đăk Nông là 1 trong 3 trụ cột trong tương lai, sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế Đắk Nông trong tương lai", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhận định.
Tây Nguyên chiếm 50% trữ lượng bô-xít nhôm của cả nước. Vì vậy, 2 dự án khai thác bô-xít tại đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ có liên quan tại khu vực, góp phần rút ngắn về khoảng cách kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trên cả nước.