Theo báo cáo mới được công bố, quy mô danh mục Pyn Elite Fund tại thời điểm cuối tháng 7 ở mức 377 triệu Euro (~ 450 triệu USD), trong đó tỷ trọng tiền mặt là 4% và 96% là cổ phiếu Việt Nam.
Trong đó, VEA tiếp tục là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục Pyn Elite Fudn với 11,85%, xếp tiếp theo lần lượt là TPB (9,83%), CTG (8,74%), HDB (8,53%), POW (6,64%), MWG (4,65%)…Top 12 cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ không có sự thay đổi so với tháng trước đó.
Trong tháng 7, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 3,24% do (1) Dự báo KQKD quý 2 giảm sút và (2) Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Đàn Nẵng vào cuối tháng 7. VCB, VNM, VJC là những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường. Thanh khoản bình quân thị trường giảm 34% trong tháng, chỉ còn 217 triệu USD/phiên.
Danh mục Pyn Elite Fund giảm 3,06% trong tháng 7 và những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới danh mục quỹ là ACV, MWG, PAN. Lũy kế từ đầu năm tới nay, hiệu suất danh mục Pyn Elite Fund ghi nhận mức giảm 13,43%.
Theo báo cáo, Pyn Elite Fund đánh giá Việt Nam dù bất ngờ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên Chính phủ đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiểm soát tình hình, bao gồm giãn cách xã hội tại Đà Nẵng hay gửi các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đến khu vực dịch, áp dụng các quy định như đeo khẩu trang nơi công cộng. Pyn Elite Fund tin rằng Việt Nam sẽ kiểm soát thành công đợt bùng phát covid-19 lần thứ 2 này, như cách đã làm với đợt bùng phát trước đó.
Số liệu tại ngày 3/8 cho biết 812 công ty trên ba sàn, tương ứng 95% vốn hóa thị trường đã công bố KQKD bán niên 2020. Số liệu tổng thể cho biết doanh thu các doanh nghiệp trong nửa đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ và NPATMI (Lợi nhuận trước thuế và lợi ích của cổ đông thiểu số) giảm 20%. Trong khi đó, các công ty cốt lõi trong danh mục Pyn Elite Fund đã công bố doanh thu chỉ giảm nhẹ 1% trong khi NPATMI giảm 7% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận tích cực hơn mong đợi của nhóm ngân hàng (TPB +27%, CTG + 39%, HDB + 32%) cũng như lợi nhuận tích cực của nhóm bất động sản, công nghệ (KDH +90%, CII +507%, FPT +15%).
Số liệu vĩ mô tháng 7 của Việt Nam khá tích cực với kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tăng trưởng 0,3% (tháng 6 giảm 2%), nhập khẩu giảm 2,9% (tháng 6 tăng 5,3%), CPI tăng 3,4%, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 1,1%. Chỉ số PMI giảm xuống 47,6 điểm cho thấy sản xuất vẫn còn yếu do sụt giảm đơn hàng mới. Mặt khác, FDI và đầu tư công nghiệp tiếp tục là điểm sáng. Vốn FDI đăng ký tăng 49,3% trong tháng 7, chủ yếu nhờ dòng vốn đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây (774 triệu USD), trong khi vốn FDI giải ngân tăng 1,4%.
Đầu tư công ước tính gần 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm, tổng vốn giải ngân ước đạt 8,8 tỷ USD (tăng 27%) và hoàn thành 43% kế hoạch năm 2020.
Pyn Elite Fund đánh giá Việt Nam đang trên con đường để đạt mức tăng trưởng GDP từ 3 đến 5% trong năm 2020 và nhu cầu trong nước sẽ được phục hồi nhờ xu hướng giảm lãi suất. Trong một báo cáo gần đây, Pyn Elite Fund cho biết quỹ đang có kế hoạch gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.