Pyn Elite Fund đã công bố báo cáo hoạt động tháng 10 với hiệu suất âm 10,46%. Như vậy, sau tháng 9 ghi nhận mức thua lỗ “tệ” nhất kể từ tháng 3/2020, quỹ ngoại đến từ Phần Lan tiếp tục có tháng thứ ba trong năm 2022 có mức hiệu suất âm trên 10%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, hiệu suất của Pyn Elite Fund tiếp tục bị nới rộng lên mức âm 36,11%, vượt cả đà giảm của VN-Index trong cùng thời kỳ (33,1%) và là mức thua lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của quỹ ngoại này.
Theo Pyn Elite, thông tin tiêu cực liên quan tới các doanh nghiệp bất động sản và hoạt động trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý trên thị trường chứng khoán kém đi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện đã bị đóng băng và cần có thêm những biện pháp để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.
Điểm tích cực khi tâm lý thị trường được cải thiện trong thời gian ngắn cuối tháng 10 nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3 của các ngân hàng, song hiện tượng bán tháo cổ phiếu tại các công ty bất động sản yếu kém đã tác động tiêu cực đến các mã ngân hàng và toàn bộ ngành bất động sản, dù cho không có ngân hàng niêm yết nào liên quan đến các khoản vay hay trái phiếu doanh nghiệp sai phạm.
Pyn Elite Fund vẫn đánh giá cao tình hình vĩ mô, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, thương mại bán lẻ tăng 17,1%, sản xuất công nghiệp tăng 6,3% và đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 8,1%. Cán cân thương mại thặng dư so với đầu năm là 9,4 tỷ USD, trong khi tháng 10/2021 thâm hụt 0,6 tỷ USD. Quỹ ngoại này kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ yếu đi khi nhu cầu từ các nước EU và Hoa Kỳ giảm dần.
Dù duy trì quan điểm lạc quan, song thực tế hoạt động của Pyn Elite Fund đang liên tục giảm sút. Tính tới cuối tháng 10/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund chỉ còn hơn 352 triệu Euro (~8.750 tỷ đồng). So với tháng trước đó, quy mô danh mục của quỹ đã giảm xấp xỉ 41 triệu Euro (hơn 1.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nếu so với hồi đầu năm 2022 (863 triệu Euro), NAV quỹ đã giảm tới 60% giá trị. Nguyên nhân đưa ra đến từ việc đồng VND giảm giá khoảng 8% so với đầu năm. Tuy nhiên, với việc hiệu suất giảm 36% so với đầu năm nhưng quy mô danh mục hụt tới hơn 59% cho thấy Pyn Elite Fund bị rút vốn ròng đáng kể sau 10 tháng.
Ngoài ra, dễ dàng thấy rằng việc các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund giảm mạnh so với đầu năm cũng khiến quy mô bị thu hẹp đáng kể. Riêng trong 10 vừa qua, những cổ phiếu khiến quỹ âm nặng gồm MIG 25,1%; NLG giảm 24,8%; KDH giảm 19,1%; KDC giảm 1,6% trong khi đó, duy nhất CTG tăng 6%.
Top 10 cổ phiếu đầu tư của Pyn Elite Fund thời điểm cuối tháng 10 vẫn là những cái tên quen thuộc như CTG (tỷ trọng 19,4%); VHM (16,5%); VRE (9,4%); ACV (9,2%); TPB (8,3%); VEA (8,2%)... So với tháng 9 trước đó, VHM đã nhường vị trí top 1 tỷ trọng trong danh mục cho CTG, đồng thời ACV cũng tăng 2 bậc từ vị trí thứ 6 lên thứ 4 trong khi VEA tụt 2 bậc tỷ trọng.
Báo cáo cũng đánh giá triển vọng tích cực đối với VRE với việc lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm đã tăng 63% so với cùng kỳ. Điều này nhờ VRE không còn phải giảm tiền thuê để hỗ trợ như thời kỳ COVID, cộng thêm tỷ lệ lập đầy trong quý 3 vừa qua tiếp tục tăng 8% so với quý trước. Theo Pyn Elite Fund, các thương hiệu lớn đã đẩy nhanh kế hoạch mở rộng cửa hàng trong hệ thống TTTM của VRE, trong khi giá thuê lại tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ ở những TTTM khu vực trung tâm. Dự kiến trong năm 2023 tới, VRE sẽ khai trương thêm 6 TTTM mới, nâng tổng diện tích sàn cho thuê tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 1,9 triệu m2.