Yêu cầu học sinh bàn về “nhan sắc” và “đức hạnh”, đề thi vào lớp 10 chuyên Văn của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn (Hà Nội) gây tranh cãi vì “có phần cổ hủ và quá sức với học sinh lớp 9”.
“Đề thi quá cũ kỹ”
Ngay sau khi xuất hiện, đề thi vào chuyên Văn của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn đã gây xôn xao và tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi, đặc biệt ở trong câu nghị luận văn học.
Theo đó, đề thi trích dẫn một câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh từ năm 1973 để nói về thơ ca: “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đến nay câu nói này không còn phù hợp nữa. Lý do là bởi, đề thi đang đưa ra một nhận định cũ kỹ khi phân định rạch ròi giữa “đức hạnh” và “nhan sắc” cũng như “nội dung” và “hình thức” của thơ.
Đề thi Ngữ văn Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn
“Ngày nay người con gái vừa cần đẹp, vừa cần đức hạnh; thơ cũng cần phải có cả nội dung và ngôn từ nghệ thuật. Đề thi này thực sự quá sức với tư duy của học sinh lớp 9 khi chưa có trải nghiệm cuộc sống dày dặn”, một người bày tỏ.
Đề thi đáp ứng yêu cầu phân loại cao?
Nhận xét về đề thi năm nay, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn cho rằng, đối với các đề chuyên Văn cần phải có tính phân loại cao so với những đề thông thường. Với yêu cầu ấy, đề bài này đã đáp ứng được khi đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức cần phải có vốn sống và quan điểm riêng.
“Đề Văn này không hề áp đặt thí sinh. Nếu đề buộc học sinh phải chứng minh đó là chân lý thì mới đáng nói, còn ở đây, đề yêu cầu bàn luận. Điều đó có nghĩa học sinh có quyền phản biện chứ đó không phải là chân lý”.
Về ý kiến cho rằng, “đề thi có phần cũ kỹ, cổ hủ”, theo PGS Liệu, đề này vẫn hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Đây là một dạng câu hỏi tương đối mở, học sinh có thể tự do thể hiện quan điểm thay vì đi theo lối mòn. Đứng ở góc độ này, ai cũng có thể tham gia bàn luận bằng chính những trải nghiệm của riêng minh.
Đối với học sinh 16 tuổi hiện nay cũng đã có những trải nghiệm nhất định. Học sinh nào vốn sống nhiều, có cái nhìn sắc sảo thì sẽ thành công với đề bài này; còn nếu vốn sống ít thì sẽ thật khó khăn.
Với sự thử thách vốn liếng văn chương cũng như tư duy phân tích, lý luận như thế, đề thi này hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu là tìm ra được những nhân tố phù hợp”.
Thúy Nga