Ngày 8/5, tại Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lo bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo này.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, một số vấn đề mà ông cảm thấy băn khoăn đó là quy định tại Khoản 3 của Điều 56.
Thầy Khang cho rằng, trường tư thục có hai cột trụ của nhà đầu tư để yên tâm đầu tư đó là quyền sở hữu, quyền điều hành nhà trường.
Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục.
Theo thầy Khang, nếu dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 thì có ý kiến cho rằng sẽ tước đoạt nhiều quyền làm chủ của nhà đầu tư. Và nếu vậy thì nhà đầu tư sẽ mất quyền kiểm soát điều hành nhà trường.
Theo thầy Khang, hội đồng trường khoản 3, Điều 56, thành phần ngoài đại diện các nhà đầu tư ra có thành phần liên quan trong và ngoài nhà trường.
“Với một hội đồng trường với nhiều thành phần như vậy làm sao có thể thay thế cho một hội đồng quản trị theo Luật hiện hành có đầy đủ quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục hay không?” - thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.
Thầy Khang cũng cho biết, Hội đồng trường trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi, 12/4/2019) có thay thế nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị của trường tư thục trong Luật giáo dục 2005 hiện hành không?
Thầy Nguyễn Xuân Khang còn cho biết, căn cứ Luật Giáo dục 2005, ngày 28/3/2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Điều 8 và Điều 11 của Quy chế ghi: “Trường có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Hội đồng quản trị do Đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Đối tượng tham gia Hội đồng quản trị là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Trường phổ thông tư thục do 1 cá nhân hoặc tổ chức (sau đây gọi chung là Nhà đầu tư) đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng và kinh phí hoạt động của trường thì không có Hội đồng quản trị.
Nhà đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn như Hội đồng quản trị...”.
Theo luật hiện hành, Hội đồng quản trị của nhà trường phổ thông chỉ có từ 2 đến 11 thành viên có vốn góp hoặc Nhà đầu tư duy nhất có vai trò như Hội đồng quản trị của trường. Điều này xác định về bản chất Hội đồng quản trị hiện nay khác hẳn Hội đồng của trường tư thục trong Dự thảo Luật giáo dục (sử đổi).
“Hội đồng trường (dự thảo) không thể đại diện cho quyền sở hữu trường; không thể quyết những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục”- thầy Khang nhấn mạnh.
Thầy Khang cho rằng, nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, bảo hộ quyền sở hữu của Nhà đầu tư đối với trường tư thục.
Vì vậy, Luật Giáo dục sửa đổi cần xác định một tổ chức đại diện của Nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành.
Thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh: “Hội đồng trường trong dự thảo Luật Giáo dục không thể thay thế Hội đồng quản trị của trường phổ thông tư thục trong thực tế hiện nay!”.
“Nếu không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long"- Thầy Khang thốt lên.
Nhiều điều... thụt lùi?
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tham gia 2 vấn đề cơ bản là cơ chế quản lý và đầu tư cho sự phát triển giáo dục đào tạo và chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.
Theo TS Lâm, tại điều 61 về nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường so với bản dự thảo ngày 27/09/2018 (Điều 58) bản dự thảo ngày 12/04/2019 là một bước lùi. Mục 2 Điều 58 (27/09/2018) còn ghi rõ “Trường công lập được thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính theo quy định của pháp luật.”
Về khoản 2 Điều 61 sửa đổi lần này lại né tránh mệnh đề “Trường công lập được thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình”. Đối chiếu với bản sửa đổi ngày 27/9/2018 với bản sửa đổi ngày 7/03/2019 chẳng thay đổi được gì?
Ở câu cuối “giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông” là ban soạn thảo đã trốn tránh trách nhiệm, lập lờ vẫn muốn quản lý nhà nước với các nhà trường theo kiểu cũ.
“Tại sao chúng tôi yêu cầu các trường học phải được trao quyền tự chủ?”, TS Lâm cho rằng, trên thực tế hiện nay, do các nhà trường công lập không được phân cấp, phân quyền về tự chủ , lại không thực hiện tốt quy chế dân chủ nên luôn có các hiện tượng tiêu cực trong mỗi nhà trường mà không có người trực tiếp phải chịu trách nhiệm, các cấp quản lý giáo dục luôn phải nhảy vào can thiệp, nên có tình trạng chưa giải quyết xong vụ này, vụ khác cũng như thế lại xuất hiện ở trường khác, địa phương khác hoặc ngay tỉnh thành đó.
Phương thức quản lý chỉ chú ý mặt tập trung, không chú ý mặt trao quyền và phân quyền là phương thức quản lý đã lạc hậu, không thể níu giữ mãi được.
Xu hướng trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học và các trường nghề đối với xã hội Việt Nam hiện nay là cần thiết.
Vấn đề tự chủ của các trường mầm non và phổ thông sẽ phải có điều kiện, có lộ trình không phải cứ đưa vào luật thì làm ngay được. Nhưng nếu luật không khẳng định thì chắc chắn lại phải đợi 5 năm, 10 năm nữa Luật mới đưa vào liệu có đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay không?
Do đó, TS Lâm cũng kiến nghị, điều 102 nội dung quản lý nhà nước về giáo dục; nên sửa ý cuối của mục 1 không nên chỉ nêu “Tăng cường quyền tự chủ” mà phải ghi rõ “trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục”.
Ở Điều 56, Hội đồng trường, tại mục 1 quan niệm “Hội đồng trường công lập là cơ quan quản trị nhà trường” là chưa phù hợp. vì công tác quản trị nhà trường trước hết là của Hiệu trưởng và các thành viên trong mỗi nhà trường, nên ông Lâm đề nghị mục 1 nên điều chỉnh và làm rõ ngay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường theo hướng“Hội đồng trường của các trường công lập là cơ quan đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan, tham gia giám sát quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, giám sát công tác quản trị của các nhà trường”.
Phần nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức chỉ nên nêu chung, không nên cụ thể cho từng loại trường (với từng loại trường sẽ điều chỉnh cụ thể bằng điều lệ nhà trường).
“Tuy vậy phần nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường chúng tôi muốn Luật phải làm rõ ngoài việc được quyền giám sát các hoạt động của nhà trường nói chung nhưng chủ yếu được quyền giám sát quyền lực của Hiệu trưởng”- ông Lâm nhấn mạnh.