Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Hakinvest - mã chứng khoán HKB) đã công bố BCTC quý 4/2018 với con số thua lỗ lên tới gần 104 tỷ đồng trong quý 4/2018. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp công ty báo lỗ.
Theo đó, doanh thu bán hàng đạt hơn 4 tỷ đồng nhưng khoản giảm trừ lên tới gần 6,6 tỷ đồng khiến doanh thu thuần ghi âm 2,6 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn lãi gộp âm 3,56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm gần 10 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể trong khi gánh nặng lãi vay lên tới 11,5 tỷ đồng cao gấp gần 5 lần cùng kỳ, đáng chú ý chi phí QLDN lên tới 89,4 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến HKB chịu lỗ tới gần 104 tỷ đồng trong kh cùng kỳ chỉ lỗ ròng gần 7,7 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2018 Hakinvest báo lỗ lên đến 142,7 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái (67,3 tỷ đồng). Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 lần 2, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu đạt 500 tỷ đồng doanh thu và kỳ vọng có lãi 5 tỷ đồng LNTT.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của HKB đạt 565,8 tỷ đồng giảm 23,4% so với đầu kỳ trong đó tài sản ngắn hạn chỉ còn 57,6 tỷ đồng giảm 68,5% so với đầu kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn vỏn vẹn 72 triệu đồng, hàng tồn kho cũng chỉ còn 23 triệu đồng. Tài sản của HKB hiện vẫn tập trung chỉ yếu ở tài sản dài hạn trong đó có 357,5 tỷ đồng được công ty ghi nhận là lợi thế thương mại. Khoản mục đầu tư tài chính vẫn còn 28 tỷ đồng.
Bên nguồn vốn, nợ phải trả của HKB tính đến hết quý 4 là hơn gần 181 tỷ đồng nợ ngắn hạn cao gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn trong đó có gần 120 tỷ đồng là vay và nợ ngắn hạn. Lỗ luỹ kế đã lên tới 149 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu của Hakinvest từ đầu năm đến nay đã liên tục dò đáy và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Hiện cổ phiếu HKB tiếp tục giảm sâu xuống còn 800 đồng/cổ phiếu.
Biến động giá cổ phiếu HKB trong 1 năm
Được biết, thời điểm lên sàn HKB từng được coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp với mức giá chào sàn 15.000 đ/CP. Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của HKB là nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp là tiêu và sắn, được lựa chọn dựa trên cả yếu tố khách quan và chủ quan như lợi thế trong nước trong việc cung ứng và điều tiết giá sản phẩm.