Trong thế giới bán lẻ thời trang hiện nay, xu hướng bán lẻ trực tuyến đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết và các cửa hàng luôn phải cố gắng giữ lượng hàng tồn kho vừa đủ nhất với doanh số bán hàng. Và việc có lượng quần áo tồn kho dù là rất nhỏ cũng được cho là một dấu hiệu khá tồi tệ.
Thế mà, H&M thừa nhận họ đang tồn kho khoảng 4,3 tỷ USD tiền quần áo, váy vóc và phụ kiện!!!
Đó là vấn đề cực kỳ đau đầu mà gã khổng lồ H&M đang phải đối mặt – số lượng hàng tồn kho của hãng này đang ngày một nhiều thêm.
H&M đã thừa nhận con số này trong báo cáo quý vừa qua vào thứ 3, làm dấy lên câu hỏi liệu công ty có thể vượt qua được sự cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi trong thị trường quần áo toàn cầu hay không.
Dấu hiệu của việc hàng tồn kho không bán được ngày một nhiều của họ bắt đầu nổi lên từ cuối năm ngoái khi công ty này báo cáo doanh số bán hàng hàng quý sụt giảm. Đây đánh dấu là lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ - khoảng thời gian mà H&M mở rộng từ một cửa hàng quần áo nhỏ là Stockholm thành mạng lưới khổng lồ với 4.700 cửa hàng trên toàn thế giới.
Số lượng khách hàng ghé thăm trong năm qua giảm khi họ thích mua sắm trực tuyến hơn hoặc tìm những nơi có giá rẻ - một thách thức mà cả ngành thời trang "mì ăn liền" đang phải đối mặt. Vào thứ 3, ông ty nói rằng khối lượng hàng tồn kho đã tăng 7% trong năm qua và hiện trị giá gần 35 tỷ kronor (tương đương 4,3 tỷ USD).
Con số đó cũng tương đương với kích thước khổng lồ của H&M – một trong những nhà sản xuất quần áo lớn nhất thế giới – họ sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm mỗi năm.
Các chuyên gia phân tích cũng đã gây áp lực lên Karl-Johan Persson – CEO công ty về vấn đề này. Đổi lại, Persson nói rằng tồn kho lớn là bởi H&M đang mở thêm 220 cửa hàng mới và mở rộng hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại chỉ trích vấn đề xảy ra là bởi khả năng quản lý hàng tồn kho yếu kém của H&M. Ngoài ra thời gian gần đây họ cũng không cung cấp được những mẫu mã thu hút khách hàng.
Công ty nói rằng lợi nhuận giảm 62% trong 3 tháng tính tới tháng 1, khiến cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 trên sàn giao dịch chứng khoán Thụy Điển.
Đó là vấn đề mới nhất trong hàng loạt vấn đề của H&M. Trước đó không lâu, công ty đã phải đóng hàng loạt cửa hàng tại Nam Phi và đối mặt với sự tẩy chay trên mạng xã hội sau quảng cáo phân biệt chủng tộc vào tháng 1.
Ngoài ra, cả H&M và những nhà bán lẻ khác ở châu Âu cũng đang khổ sở bởi Amazon lấn sân vào lĩnh vực bán lẻ quần áo.
Kể từ đầu năm 2000, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thời trang nhanh như ASOS, H&M và Zara bắt đầu bùng nổ. Tuy nhiên đến thời điểm này trong khi những thương hiệu xa xỉ đã tìm lại được hào quang nhờ sự quan tâm trở lại của giới trẻ và nhu cầu của thị trường Trung Quốc thì những hãng bình dân lại gặp phải những thách thức to lớn.
ASOS là một thương hiệu bán lẻ trực tuyến và Inditex cũng đã hướng tới tăng bán trực tuyến. Tuy nhiên HM& lại đang bị tụt lại phía sau.
Các chuyên gia phân tích cũng tỏ ra bi quan về triển vọng của công ty ở Thụy Điển. Rahul Sharma – nhà sáng lập của Neev Capital gọi H&M đang trong quá trình "sụp đổ chầm chậm" sau khi họ công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm. Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng UBS nói rằng họ đã xem trình bảy của H&M vào tháng 11 và nó hoàn toàn "không có tầm nhìn rõ ràng về việc tại sao nên tập trung vào lượng khách hàng cốt lõi đã mất và cần phải làm gì để tiến hành những thay đổi".
H&M thì vẫn khăng khăng với kế hoạch giảm giá để giảm tồn kho và chậm lại trong việc mở rộng cửa hàng. Họ kỳ vọng mảng kinh doanh trực tuyến sẽ mở rộng 25% trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Persson – cháu trai của nhà sáng lập H&M hiểu rằng sự thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp đang đè nặng lên vai công ty ông.
"Ngay từ đầu năm, mọi thứ đã rất khó khăn rồi", ông nói.