Ra đời từ năm 2012, sau khoảng hơn 6 năm hoạt động, chỉ số HNX30 dường như vẫn chưa thoát khỏi 'cái bóng' của chỉ số VN30. Ra đời với kỳ vọng sẽ trở thành một trong số các chỉ số tham chiếu nhưng hiện tại hầu như không có sản phẩm nào sử dụng HNX30 làm chỉ số cơ sở.
Mặc dù có 30 cổ phiếu trong rổ chỉ số nhưng số cổ phiếu được nhà đầu tư để ý đến là không nhiều, thậm chí có một số cổ phiếu có thị giá chỉ loanh quanh 1.000 đồng/CP. Nếu VN30 chỉ có duy nhất HSG giao dịch dưới mệnh giá, thì HNX30 có đến 6 mã.
Chất lượng các cổ phiếu trong bộ chỉ số HNX30 là điều khiến nhà đầu tư băn khoăn trước khi đầu tư vào nhóm này. Các cổ phiếu trong nhóm HNX30 thường có vốn hóa khá khiêm tốn. Tổng vốn hóa các cổ phiếu trong rổ HNX30 tại thời điểm 21/11/2018 chỉ là 116.625 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của rổ VN30 lên đến 1.898.270 tỷ đồng, một con số rất chêch lệch giữa hai bộ chỉ số được coi là tập hợp những cổ phiếu tốt của hai sàn niêm yết HoSE và HNX.
Nhắc đến HNX30 có lẽ nhà đầu tư thường chỉ nghĩ đến một số cổ phiếu như ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, VCS của Công ty cổ phần VICOSTONE, PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội... tuy vậy, nếu tính về vốn hóa, ACB cũng chỉ đứng thứ 27 về vốn hóa trên toàn thị trường và thậm chí còn thua xa so với một số cổ phiếu thuộc sàn đăng ký giao dịch UPCoM.
Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các rổ chỉ số này thể hiện rõ nhất ở tiêu chí thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trong vòng 1 tháng qua của rổ chỉ số HNX30 chỉ đạt 470 triệu cổ phiếu, tương ứng 8.139 tỷ đồng, trong khi còn con số này ở rổ VN30 là 1,15 tỷ cổ phiếu, trị giá 41.889,78 tỷ đồng.
Chất lượng cổ phiếu chênh lệch giữa hai rổ cổ phiếu VN30 và HNX30 là điều khá dễ thấy khi nhóm VN30 bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn và kinh doanh hiệu quả.
Tổng doanh thu quý III/2018 của nhóm VN30 đạt 237.551 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 27.155,7 tỷ đồng, tăng 15,5%. Trong khi đó, tổng doanh thu của nhóm HNX30 chỉ đạt 27.818,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.627,6 tỷ đồng và chỉ bằng 13% so với tổng lợi nhuận nhóm VN30.
Trong nhóm VN30 có đến 10 doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng riêng quý III, và con số này ở sàn HNX30 chỉ có duy nhất ACB.
Hiệu quả kinh doanh không cao cũng là nguyên nhân khiến mặt bằng giá của HNX30 kém hẳn so với VN30.
Tổng tài sản của 30 doanh nghiệp trong VN30 tại thời điểm 30/9/2018 đạt 4.155.341 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với con số 772.526 tỷ đồng của rổ HNX30.
Rõ ràng HNX cần phải có những sự điều chỉnh nhất định để có thể nâng cao chất lượng cho sàn HNX nói chung và bộ chỉ số HNX30 nói riêng. Cũng phải nhắc lại rằng, làn sóng chuyển sàn từ HNX sang HoSE cũng khiến các cổ phiếu chất lượng tốt hơn chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE.
Mới đây, chia sẻ với NDH, ông Nguyễn Đức Huấn, Giám đốc Phòng Hệ thống giao dịch HNX cho biết việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là một trong những mục tiêu quan trọng của HNX. HNX đã và đang nghiên cứu để tìm ra các giải pháp đồng bộ từ quy định pháp lý về điều kiện, tiêu chuẩn lên niêm yết đến việc hướng dẫn, đào tạo, nhắc nhở việc thực thi nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin ra quyết định trước khi đầu tư.
Hàng năm, HNX đều có các chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin minh bạch, chất lượng quản trị công ty nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện các thông lệ tốt về quản trị công ty.
HNX đang nghiên cứu các loại lệnh mới, phương thức giao dịch mới. HNX sẽ khảo sát ý kiến của các thành viên thị trường và cân nhắc thời điểm phù hợp để triển khai. Ngoài ra, HNX cũng đang bổ sung, chỉnh sửa Quy chế thành viên tạo lập thị trường để tạo điều kiện cho các thành viên giao dịch triển khai nghiệp vụ này.