Hộ chiếu vắc-xin - khái niệm mới được nhiều nước nhắc tới để mở biên. Việc triển khai rộng rãi vaccine Covid-19 sẽ giúp khôi phục niềm tin của du khách, góp phần nới lỏng lệnh hạn chế đi lại, từng bước bình thường hóa hoạt động du lịch.
Thụt lùi 30 năm
Trong báo cáo tháng 1/2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020 du lịch thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sụt giảm 73,9% lượng khách du lịch quốc tế so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm.
Theo đó, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 chỉ đạt 381 triệu lượt, giảm 73,9% so với năm 2019, tương đương trên 1 tỷ lượt. Nguyên nhân chính do sự sụt giảm mạnh về nhu cầu du lịch và các hạn chế đi lại trên toàn cầu nhằm ứng phó với dịch bệnh. Mức giảm này nằm giữa kịch bản 2 (-70%) và kịch bản 3 (-78%) được UNWTO dự báo vào tháng 5/2020.
Sự sụt giảm về lượng khách quốc tế đã làm giá trị xuất khẩu du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 1.300 tỷ đô-la Mỹ, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Xét về giá trị đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP, đại dịch cũng đã làm thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đô-la Mỹ, chiếm hơn 2% tổng GDP kinh tế toàn cầu.
Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 3,837 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước |
Bên cạnh đó, đại dịch có thể đã làm mất đi 100-120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch, rất nhiều trong số đó là lao động trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Riêng ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta năm 2020 ước tính đạt 3,837 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước. 4.734 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ du lịch,... tạm ngừng kinh doanh và 1.296 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Bên cạnh đó là những con số, dù không nằm trong số liệu thống kê chính thức, nhưng được ghi nhận rõ ràng trong thực tế là: 95% trong số 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải dừng hoạt động; 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng nhưng công suất phòng chỉ đạt tối đa 20-25%. Hàng nghìn cơ sở lưu trú phải đóng cửa vì không có khách hoặc công suất phòng quá thấp. Đã có hàng trăm cơ sở lưu trú được rao bán.
Hơn 17.650 hướng dẫn viên quốc tế gần như thất nghiệp hoàn toàn; gần 8.800 hướng dẫn viên nội địa và hơn 1.000 hướng dẫn viên tại điểm thất nghiệp toàn phần hoặc bán thời gian
Gần 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc hoặc giảm thu nhập.
Vaccine và viễn cảnh mở cửa du lịch
Cũng theo UNWTO, các chuyên gia du lịch quốc tế cho rằng việc triển khai rộng rãi vắc-xin Covid-19 sẽ giúp khôi phục niềm tin của du khách, góp phần nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại, từng bước bình thường hóa hoạt động du lịch. Sự phục hồi du lịch trong năm 2021 phụ thuộc vào tốc độ triển khai vắc-xin, sự phối hợp giữa các nước về thủ tục đi lại và tình hình kinh tế.
Hộ chiếu vắc-xin đang là một khái niệm mới mà nhiều nước đang nhắc tới trong việc mở cửa biên giới.
Vấn đề này tùy thuộc vào kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ và khả năng đề kháng của người dân với virus Ncovi-2. Các quốc gia phát triển trên thế giới hiện trông cậy vào vắc-xin tiêm ngừa trong cộng đồng để mở cửa ngành kinh tế (bao gồm cả du lịch). Một số nước có điều kiện môi trường phù hợp như Việt Nam tập trung vào việc khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, truy vết, dự báo, chữa trị để dập dịch.
Chuyên gia dự báo phải đến tháng 6/2022, Việt Nam mới có thể mở cửa dần dần |
Tuy vậy, để mở cửa giao thương quốc tế thì chưa thể trong điều kiện hiện nay, Thái Lan đã phải dừng thử nghiệm mở cửa cho khách du lịch quốc tế vào với chương trình STV thời hạn visa 90 ngày, bong bóng du lịch giữa New Zealand và Úc cũng không thành công sau các đợt dịch bệnh bùng phát trở lại ở các nước trên.
Nếu đến mùa hè 2021 này, phần lớn dân số thế giới được tiêm vắc-xin thì có thể thúc đẩy sự hồi phục của du lịch quốc tế trong nửa sau năm 2021. Trong bất kỳ trường hợp nào, các chuyên gia cũng khẳng định du lịch gần giữa các quốc gia láng giềng và trong khu vực sẽ khôi phục nhanh hơn, trong khi du lịch đường dài sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Đồng thời họ cũng nhấn mạnh, tuy thành công trong khống chế dịch bệnh và triển khai vắc-xin sẽ góp phần tích cực hồi phục du lịch một cách an toàn, nhưng trong ngắn hạn, cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia về thủ tục đi lại, bảo đảm sức khỏe và an toàn liên quan đến xét nghiệm, chứng nhận vắc-xin, cung cấp số liệu đáng tin cậy và truyền thông hiệu quả.
Nhìn chung về triển vọng cả năm 2021, phản hồi từ các chuyên gia cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều: 45% chuyên gia cho rằng triển vọng năm 2021 sẽ tốt hơn, 25% không chắc chắn về sự phục hồi và 30% đánh giá năm 2021 sẽ khó khăn hơn năm 2020. Trong số đó, 67% chuyên gia cho rằng vắc-xin sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục của du lịch quốc tế, trong khi đó khoảng 30% chỉ coi đây là một khả năng.
Nhưng khi nào thì Việt Nam mới có thể đảm bảo được đủ một số lượng người dân được tiêm ngừa để có thể mở cửa đón khách khi hiện nay nguồn vắc-xin chưa tự chủ được và phải trông vào nhập khẩu?
Căn cứ vào tiêu chí khi đạt độ phủ tiêm chủng 70-80% dân số sẽ có được miễn dịch cộng đồng và kế hoạch triển khai nhập khẩu vắc-xin và thử nghiệm/sản xuất vắc-xin trong nước với dân số ước khảng 97,8 triệu dân thì đồng quan điểm, thành viên các dự án nghiên cứu du lịch của TAB và Tổng cục Du lịch, chuyên gia du lịch Trương Nam Thắng đưa ra một số nhận định sơ bộ dự kiến tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam như sau: Đến tháng 6/2021 giảm nỗi lo đội ngũ tuyến đầu chống dịch (y tế, biên phòng, công an, bộ đội,... ) bị nhiễm bệnh vì họ sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên; đến tháng 12/2021, tạm thời đạt được miễn dịch cộng đồng ở một số thành phố trọng điểm kinh tế, du lịch lớn; từ tháng 1-6/2022, hy vọng tiêm chủng đại trà trong cả nước để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Như vậy, phải đến tháng 6/2022, Việt Nam mới có thể mở cửa dần dần, bình thường giao thương quốc tế nếu như cùng lúc đó, tình hình khống chế dịch của các nước trên thế giới cũng đã đạt được những thành tựu khả quan từ các chương trình tiêm chủng được tiến hành ngay tại lúc này.
Nguyễn Đức Chí