Tại Việt Nam, hộ kinh doanh (HKD) là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng góp đáng kể cho GDP cả nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này còn tồn tại nhiều điểm hạn chế; việc quản lý hoạt động cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động.
Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết cần nhận định rõ và chỉ ra các thách thức, khó khăn, rào cản thể chế, chính sách và tiếp cận vốn tín dụng mà HKD đang gặp phải, đặc biệt là các khó khăn thách thức đối với sản xuất kinh doanh của họ trong đại dịch COVID-19 , từ đó để đưa ra những hàm ý chính sách tháo gỡ.
Tọa đàm chủ đề: “Thuận lợi hóa” hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới”
Mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) kết hợp với Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI), dưới sự tài trợ của quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, đã tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: “Thuận lợi hóa” hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới”, tạo một diễn đàn hiện còn khá ít ỏi tại Việt Nam để cùng nhìn nhận những vấn đề đề cập ở trên.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đã nhìn lại tổng quan quá trình phát triển, cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động của hộ kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn, từ năm 1990, nước ta đã có luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân, hình thức HKD được quy định riêng tại quy định số 27 của Hội đồng Bộ trưởng. Luật doanh nghiệp năm 1998, 1999 và 2014 có đề cập đến loại hình này dưới tư cách là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp.
Luật Doanh nghiệp gần đây nhất số 59 năm 2020, trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp này Quốc hội đã bàn thảo rất là nhiều về việc có tiếp tục đưa hình thức HKD vào luật hay không hay tách ra.
Cuối cùng, nội dung về HKD đã bị đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp năm 2020. Hình thức này đã được đưa vào Nghị định số 01 của năm 2021 về hình thức đăng ký doanh nghiệp trong đó có nhắc đến hình thức HKD còn các nội dung khác được đưa ra khỏi luật.
Ngoài khung pháp lý trực tiếp có quy định đến hình thức HKD, loại hình này cũng được điều chỉnh bởi nhiều luật khác như Luật Thương mại hay Luật Dân sự. Qua quá trình nghiên cứu có thể thấy khung pháp lý cho hình thức hoạt động của HKD đã khá đầy đủ bởi đây cũng là hình thức hoạt động khá đơn giản và cũng không có gì phức tạp cả. HKD thậm chí là quy mô nhỏ lẻ, không cần phải đăng ký kinh doanh cũng có thể hoạt động được. Tuy nhiên khung pháp lý hỗ trợ cho HKD vẫn còn thiếu và yếu.
Qua kết quả khảo sát và nghiên cứu, có thể thấy rõ hoạt động của HKD còn khá hạn chế so với doanh nghiệp. Trước đây, hoạt động của HKD còn bị giới hạn là họ chỉ được thuê dưới 10 lao động và văn phòng đăng ký kinh doanh chỉ được chọn ở một địa điểm duy nhất. Tuy nhiên trong luật doanh nghiệp mới được cởi bỏ một số nội dung này.
Việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán của HKD vẫn khá đơn giản và sơ khai cho nên đây cũng là một yếu tố cản trở HKD khi tham gia hoạt động.
Hình thức HKD có thể lợi hơn so với doanh nghiệp ở một số điểm, hình thức vận hành hoạt động rất dễ dàng và đơn giản. Về chế độ kế toán, không cần duy trì lượng nhân sự kế toán quá phức tạp nên cũng vận hành đơn giản hơn.
Về nghĩa vụ thuế, nhìn chung thuế môn bài được áp dụng ở mức thấp, các HKD cũng hay lựa chọn thuế khoán để thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động. Đây cũng là vấn đề phát sinh nhiều vướng mắc và cũng có thể coi như một điểm hạn chế mà các cơ quan quản lý cũng chưa thể khắc phục được triệt để. Đó là có sự thỏa thuận ngầm giữa các cán bộ thuế và HKD để giảm mức nộp thuế của mỗi hộ kinh doanh...
HKD cũng gặp vấn đề về chi phí pháp lý rất cao, vì tính pháp lý của HKD chưa thể bằng được so với các hình thức doanh nghiệp. Trong thời gian qua, hình thức HKD vẫn có sự phát triển đều về quy mô, số lượng hộ kinh doanh, tuy nhiên còn khá hạn chế.
Số lượng người lao động làm việc tại các HKD khá hạn chế, dưới 3 người, đó là xét đến lĩnh vực thu hút được lượng lao động tương đối thấp, trong khi đó, tổng tài sản của một HKD dù có phát triển nhưng theo số liệu của năm 2019 thì trung bình cũng chỉ khoảng 180 triệu đồng quy mô tổng tài sản, như vậy là ở mức khá hạn chế.
Dù vậy tính đến tổng quy mô đóng góp của HKD vào nền kinh tế hiện nay lại khá đáng kể. Xét về số lượng, hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, thu hút khoảng 9 triệu lao động chiếm tới 16,5% tổng số lao động trong độ tuổi lao động của cả nước. Với HKD phi nông nghiệp và hộ cá nhân nông nghiệp, hai khu vực này vẫn đóng góp đến gần 30% GDP Việt Nam tính đến hết năm 2019.
Có thể thấy rằng quy mô nhỏ nhưng tổng thể đây vẫn là khu vực kinh tế rất quan trọng của Việt Nam trong các năm vừa qua và sẽ vẫn duy trì vai trò này trong các năm sắp tới, bởi dịch chuyển cơ cấu kinh tế sẽ không diễn ra trong ngày 1, ngày 2.
So sánh mô hình quản lý loại hình tương đương với hộ kinh doanh tại một số nước/lãnh thổ cùng các chính sách hỗ trợ chính
Các nước cũng quy định khá đơn giản, chỉ cần đăng ký là một cá nhân có thể tham gia hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên khác biệt lớn nhất chính là ở khung chính sách hỗ trợ cho hình thức hộ kinh doanh.
Các quốc gia xung quanh Việt Nam thường khá chú trọng đến lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, trong đó khái niệm siêu nhỏ của họ bao gồm cả hình thức cá nhân kinh doanh.
Ở biểu so sánh trên cho thấy, tại Việt Nam, các HKD lại chưa phải chủ thể chính của đối tượng được hỗ trợ; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng như trong tiếp cận vốn và đào tạo vẫn chủ yếu áp dụng cho hình thức các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng gần đây, hoạt động của HKD cũng đã có nhiều thay đổi và đương đầu với nhiều khó khăn, theo phân tích của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Và HKD cũng chính là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất bởi đại dịch kéo dài thời gian qua.
Chi tiết về các hộ kinh doanh được BIDV đưa vào khảo sát lần này
"Ở thời điểm quý 1/2021, khi khó khăn của nền kinh tế tạm thời qua đi và nền kinh tế nói chung có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại, ở thời điểm sau Tết thì chúng tôi tiến hành khảo sát, có đến gần nửa số HKD có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, họ kỳ vọng năm 2021 cũng là năm kết thúc của chuỗi tác động COVID-19 và sẽ là năm trở lại trạng thái bình thường", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, từ tháng 7 khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 với chủng Delta càn quét và tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam thì các HKD cũng nằm chung trong bối cảnh gánh chịu khó khăn và trở nên kiệt quệ. Như vậy sẽ cần phải có những biện pháp hỗ trợ khó khăn trong điều kiện bình thường và điều kiện bất thường.
Thế nhưng, các ý kiến tham luận tại tọa đàm nhìn nhận rằng, hiện có nhiều rào cản với hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh, đặc biệt trong ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận vốn.
Rào cản nổi bật nhất là về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và tín dụng. Trên thực tiễn khi các HKD tiếp cận các tổ chức tín dụng và ngân hàng để vay vốn thì rào cản của họ rất lớn, khi gặp phải những rào cản như vậy thì vô hình chung ảnh hưởng đến tâm lý, sự quyết tâm và đặc biệt nó thể hiện trên kết quả kinh doanh của hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng của nhà nước vẫn còn có sự không rõ ràng, chưa tiếp cận được với nhiều hộ kinh doanh. Đa phần HKD cho rằng hỗ trợ tín dụng nhà nước mới tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, còn các lĩnh vực khác chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng cụ thể.
TS. Việt cho rằng nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các HKD tiếp cận được với các nguồn tài chính tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng, thì các HKD có thêm nguồn vốn để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, và mở rộng sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát.
Đa phần các HKD phản ánh về việc họ chỉ nhận được tiếp cận tín dụng khi phải dùng tài sản cá nhân mà chủ yếu là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà để đảm bảo cho khác khoản vay của ngân hàng, trong khi đó tỷ lệ giá trị được vay trên giá trị tài sản bảo đảm lại rất thấp. Có tới 50% HKD tham gia khảo sát phản hồi thời hạn cho vay ngắn, 43% cho biết thủ tục vay vốn của các ngân hàng vẫn còn rườm rà.
Một số khuyến nghị chính sách được nhóm nghiên cứu đưa ra
Cụ thể, cần tăng cường hỗ trợ HKD nâng cao lợi thế kinh doanh, mở rộng các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích HKD tiếp cận với các cơ quan quản lý hành chính; có các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các HKD trong bối cảnh mới, đồng thời thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh.