Ở cái tuổi 58, gần nghỉ hưu, Yu Hee-sook dù đã trả hết nợ từ cách đây rất lâu nhưng vẫn liên tục bị các bên gọi đến với lời đe dọa sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà. Lý do là bởi nhiều khoản nợ đã được chứng khoán hóa và bán cho các nhà đầu tư mà bà không hề hay biết.
"Ở Hàn Quốc, cuộc sống xem như chấm dứt khi bạn trở thành con nợ tín dụng quá hạn," - Yu trần tình. Suốt 13 năm, bà làm nhiều công việc nhỏ lẻ như viết bài cho tạp chí điện ảnh để trả được khoản nợ phải gánh sau một dự án làm phim thất bại vào năm 2002.
Một cảnh trong Squid Game
"Tất cả những gì tôi muốn chỉ là cơ hội trả được nợ, nhưng ngân hàng sẽ không cho bạn cơ hội kiếm tiền," - Yu cay đắng nói. Ngần ấy thời gian, bà cảm thấy mắc kẹt trong những khoản nợ không lối thoát, giống như 456 người tham gia "Trò Chơi Con Mực" (Squid Game) - bom tấn sinh tồn của Hàn Quốc trên Netflix vậy.
Với người nước ngoài, Hàn Quốc là một thế giới hào nhoáng, có hiện tượng âm nhạc toàn cầu BTS hay những chiếc smartphone "kỳ lạ" của Samsung. Nhưng "Squid Game" đã nhắm đến một mặt tối của xã hội đất nước này, khi những khoản nợ cá nhân ngày một tăng, nơi tỉ lệ tự tử ở mức cao nhất trong số các nước phát triển, và ngày càng hiếm người "may mắn" được sống tự do, không nợ nần.
Nợ tăng lên sẽ giúp tăng trưởng đầu tư tư nhân và thị trường nhà đất, nhưng xã hội Hàn Quốc khiến cho việc tách bạch giữa nợ cá nhân và nợ doanh nghiệp trở nên khó khăn, và dồn gánh nặng lên những doanh nghiệp nhỏ.
Theo số liệu từ tòa án, các vụ phá sản cá nhân trong năm 2020 đã lên tới 50.379 - cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ những người phải trả nhiều hơn một khoản nợ cũng tăng dần, đạt tới 55,47% vào tháng 6/2021 so với 48% vào năm 2017.
"Nếu Donald Trump là người Hàn, ông ấy không thể trở thành tổng thống nổi đâu, thậm chí còn phải phá sản nhiều lần," - trích lời một luật sư ở Seoul. "Ở Mỹ, nợ doanh nghiệp tách bạch hẳn so với nợ cá nhân."
Hơn nữa, việc thiếu đi một mạng lưới an sinh xã hội an toàn cho các doanh nghiệp nhỏ cùng chương trình phục hồi sau thất bại khiến rủi ro tăng lên, đẩy nhiều người Hàn Quốc vào cảnh tuyệt vọng. Các ngân hàng cũng thường bỏ qua thời hạn 5 năm để tiêu hủy hồ sơ vỡ nợ.
"Với cách làm việc truyền thống của ngân hàng, chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc nhiều khả năng phải đối mặt với gánh nặng nợ nần," - Ahn Byung-wook, thẩm phán chuyên xử những vụ phá sản cho hay.
Các ngân hàng thường yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay của công ty - một hình thức vốn bị chính phủ cấm sử dụng đối với các thể chế tài chính công từ năm 2018. Người vay có lịch sử tín dụng xấu sẽ cần sự đảm bảo từ một tổ chức chính phủ.
"Về mặt văn hóa, những doanh nghiệp thất bại sẽ gặp nhiều định kiến. Thế nên để bắt đầu lại là rất khó, khi niềm tin dành cho họ đã mất," - Ahn cho biết thêm.
"Hơn nữa, bất kỳ ai nộp đơn phá sản cá nhân sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế trên thị trường việc làm."
Hàn Quốc hiện sở hữu lượng lao động tự do nằm trong top đầu thế giới - chiếm gần 1/4 thị trường lao động, dẫn đến việc thị trường trở nên nhạy cảm hơn với suy thoái. Một nghiên cứu của ngân hàng trung ương vào năm 2017 cho thấy chỉ 38% các doanh nghiệp nhỏ tồn tại được quá 3 năm.
Nhưng khi nền kinh tế lao dốc, người Hàn ít có khả năng nhắm đến các công việc tốt trong khi giá nhà đất gia tăng, nhiều người bắt đầu tin rằng đầu cơ là con đường duy nhất để giàu lên, và chấp nhận vay nợ nhiều hơn để đầu tư vào chứng khoán cùng nhiều kênh khác.
"Chính phủ khuyến khích các startup nhưng lại không quan tâm đến những doanh nghiệp đã thất bại," - Ryu Kwang-han, doanh nhân 40 tuổi nhận xét. "Nó khác gì 'Squid Game' chứ, nếu không có cơ hội thứ 2?"
Nguồn: Reuters