Từ đầu tháng 12 đến nay, giá hạt tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vẫn quanh mức 75.000-77.000 đ/kg (đầu giá). Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá hạt tiêu hiện tại đã giảm tới gần một nửa (giá hạt tiêu tháng 12/2016 ở mức trên dưới 140.000 đ/kg).
Một vười tiêu ở Đông Nam Bộ. Ảnh: Khương Hồng Thủy
Không chỉ giảm mạnh về giá, hạt tiêu đang gặp áp lực về việc tiêu thụ. Nguyên nhân là do tiêu Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh lớn của hạt tiêu Brazil. Do trong mấy năm qua, nhiều diện tích trồng trọt ở nước này được nông dân chuyển sang trồng tiêu, nên năm nay, sản lượng tiêu ở Brazil tăng mạnh, ước tăng thêm 20.000-30.000 tấn so với năm 2016. Hạt tiêu Brazil có vị cay không bằng hạt tiêu Việt Nam, nhưng lại tạo sự yên tâm hơn đối với các nhà NK về dư lượng thuốc BVTV. Các nhà XK Brazil lại có khả năng giao hàng nhanh. Đặc biệt, giá tiêu Brazil đang ở mức rất cạnh tranh, chỉ khoảng 80.000 đ/kg.
Chính vì vậy, thông tin từ một số doanh nhân ngành hồ tiêu cho hay, nhiều thương nhân quốc tế đang tập trung mua hạt tiêu của Brazil. Bao giờ hết tiêu ở Brazil, họ mới mua tiêu của Việt Nam. Mà vụ tiêu ở Brazil sẽ kết thúc vào tháng 1 tới, đó là thời điểm Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới. Sản lượng vụ cũ vẫn còn, cộng với sản lượng từ vụ mới, khiến cho giá hạt tiêu ở thời điểm đầu năm 2018 vẫn có thể chỉ ở mức thấp như hiện nay.
Mà theo dự báo của một số chuyên gia ngành tiêu, sản lượng tiêu Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng mạnh. Năm 2017, sản lượng tiêu nước ta đã đạt mức kỷ lục trên 200.000 tấn. Nhiều khả năng sản lượng 2018 có thể còn cao hơn nữa. Nguyên nhân chính là nhiều diện tích tiêu được phát triển ồ ạt trong mấy năm qua khi giá tiêu cao, đã đến lúc cho thu hoạch.
Sản lượng tiêu ở Việt Nam tiếp tục tăng lên. Sản lượng tiêu ở nhiều nước sản xuất khác như Brazil, Campuchia, Ấn Độ… cũng tăng, khiến cho nguồn cung tăng cao trên toàn cầu. Vì thế, giá tiêu trong năm 2018 được dự báo vẫn ở mức thấp.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu sẽ còn ở mức thấp ít nhất là trong 5 năm tới. Đến khi nông dân nhiều nơi chán tiêu, chuyển sang cây trồng khác, khiến cho diện tích, sản lượng tiêu Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung giảm xuống, thì khi ấy giá tiêu mới có thể phục hồi.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, nước ta XK được 192.235 tấn, đạt giá trị 1,018 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, XK hạt tiêu tăng mạnh về lượng (tăng 21%), nhưng lại giảm tới 20,9% về giá trị. Điều này cho thấy XK thô đang giảm mạnh về giá trị trong bối cảnh sản lượng hạt tiêu tăng cao trên toàn cầu. Chính vì vậy, đầu tư sâu vào chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị cao, đang là đòi hỏi cấp thiết đối với ngành hàng hồ tiêu. So với một số nước sản xuất tiêu lớn, mức độ chế biến của tiêu Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho hay, trên thế giới hiện có 12 sản phẩm tiêu chế biến giá trị cao, thì ở Việt Nam mới làm được chừng 4-5 sản phẩm. Chiếm đại đa số trong XK tiêu Việt Nam vẫn là các sản phẩm thô như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu xay…
Trong khi đó, Ấn Độ mỗi năm chỉ đang XK khoảng 17.000 tấn tiêu, nhưng sản phẩm giá trị cao chiếm tới 28% giá trị XK gồm dầu tiêu, dầu nhựa tiêu... Ở Ấn Độ hiện đã có khoảng 60 nhà máy chế biến dầu nhựa tiêu. Còn ở Việt Nam, đến giờ vẫn chưa có nhà máy nào, ngoài một số cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Đặc biệt, nước NK lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam là Mỹ, cũng phát triển rất mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm giá trị cao từ hạt tiêu. Mỗi năm, Mỹ NK từ Việt Nam khoảng 30.000 tấn hạt tiêu. Chỉ một phần trong số đó được dùng trong ăn uống, chế biến thực phẩm. Phần còn lại được đưa vào chế biến dầu tiêu, dầu nhựa tiêu… Để làm ra 1 kg dầu nhựa tiêu, cần tới 30 kg hạt tiêu. Mỗi kg dầu nhựa tiêu ở Mỹ hiện có giá từ 500-1.000 USD, cao hơn nhiều so với giá của 30 kg hạt tiêu (khoảng 150 USD). Sở dĩ dầu nhựa tiêu, dầu tiêu… có giá cao vì được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm...
Để làm được dầu tiêu, dầu nhựa tiêu và các sản phẩm giá trị cao khác, trước hết các DN phải đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu sạch, an toàn. Bên cạnh đó, trồng tiêu hữu cơ cũng là một xu hướng cần được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Bởi trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu hữu cơ đang tăng khá khoảng 6%/năm. Giá tiêu hữu cơ lại thường cao gấp đôi so với tiêu thường. (Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam)