Giá thấp nhất trong 5 năm
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng XK tiêu tháng 3 ước đạt 24 nghìn tấn với giá trị đạt 88 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 3 tháng đầu năm ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, giá tiêu XK bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3.822 USD/tấn, giảm tới 44,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất với 43,5% thị phần.
Tương đồng với XK, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Trong quý đầu tiên của năm, giá hồ tiêu có xu hướng giảm với mức giảm là 17.000-19.000 đ/kg so với thời điểm cuối năm 2017. Hiện nay, giá tiêu tại Đắc Lắk – Đắc Nông, Gia Lai là 53.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai là 54.000 đ/kg. So cùng kỳ năm trước, mức giá bán nêu trên chỉ bằng một nửa và bằng 1/4 giá giữa năm 2016. Xét ở phạm vi rộng hơn thì đây là các mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Về nguyên nhân, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Giá tiêu giảm do nguồn cung vẫn dồi dào trong khi nhu cầu yếu. Bên cạnh đó là áp lực nguồn cung từ nước láng giềng Campuchia đang phát triển mạnh diện tích trồng hạt tiêu.
Phân tích sâu hơn về “bức tranh” phát triển ngành hồ tiêu những năm gần đây, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay: Do ảnh hưởng của hạn hán và bệnh hại, diện tích hồ tiêu của thế giới từng giảm mạnh. Theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2006-2013, diện tích hồ tiêu thế giới giảm khoảng 158 nghìn ha. Trong đó, Ấn Độ giảm 131,3 nghìn ha; Indonesia giảm 24,6 nghìn ha và Brazil giảm 7,4 nghìn ha… Việc sụt giảm diện tích này dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu XK tăng cao. Thời điểm năm 2015, giá thu mua tiêu của Việt Nam đạt khoảng 200 ngàn đồng/kg. Chính yếu tố giá cao này khiến người sản xuất một số vùng đã mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, trong đó có diện tích trồng xen trong cà phê và một số cây trồng khác.
Đến hết năm 2017, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt khoảng 152 nghìn ha, năng suất đạt 25,7 tạ/ha, sản lượng đạt 243 nghìn tấn, chiếm khoảng 58% thị phần thương mại hồ tiêu thế giới. Việc tăng “nóng” diện tích trồng tiêu bất chấp quy hoạch, thậm chí sẵn sàng phá bỏ diện tích các loại cây trồng khác để trồng tiêu được nhìn nhận là nguyên nhân mấu chốt khiến ngành hồ tiêu dần phải nếm “trái đắng”.
Cần quyết liệt hơn
Đáp lại câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về vấn đề, hồ tiêu phát triển “nóng” rồi liên tục mất giá như thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã, đang và sẽ có những giải pháp gì khắc phục, theo ông Lê Văn Đức: Ngay từ đầu tháng 1/2016, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 132/CT-BNN-TT về việc phát triển sản xuất cây hồ tiêu bền vững. Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, phát triển hồ tiêu của địa phương, làm rõ những mặt đạt được, tồn tại của quy hoạch và quản lý quy hoạch, đề xuất các giải pháp quản lý thiết thực và kịp thời để phát triển hồ tiêu bền vững. Trong năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn số 5429/BNN-TT yêu cầu các UBND các tỉnh tập trung công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, có biện pháp quản lý phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch nhất là những vùng trồng thuần, bị bệnh hại nặng; đồng thời thông tin kịp thời tình hình sản xuất, tiêu thụ và dự báo giá cả hồ tiêu để nông dân điều tiết kế hoạch sản xuất, không phát triển quá nóng hồ tiêu trên địa bàn.
Bên cạnh những việc đã làm, về giải pháp thời gian tới ông Đức nhấn mạnh: “Để từng bước quản lý quy mô diện tích hồ tiêu, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ diện tích hồ tiêu, tuyên truyền, vận động nông dân không tăng diện tích trồng mới; ngừng trồng tái canh đối với các diện tích già cỗi, bị nhiễm bệnh nặng; xác định cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn; thay thế một phần diện tích hồ tiêu trồng thuần bằng hình thức trồng xen hồ tiêu với cà phê và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn, giảm mật độ trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê”. Cũng theo ông Đức, Bộ NN&PTNT còn chỉ đạo địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu theo chuỗi, xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất có chứng nhận, hình thành liên kết sản xuất giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với DN chế biến, XK hồ tiêu để phát triển bền vững.
Nhìn nhận khách quan về câu chuyện làm sao gỡ khó, thậm chí là “giải cứu” ngành hồ tiêu khỏi “cơn lốc” giảm giá, hướng tới phát triển bền vững, nhiều chuyên gia nêu quan điểm: Vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Diện tích trồng hồ tiêu tăng ồ ạt, lỗi trước tiên thuộc về người nông dân khi ham lợi ích trước mắt, không tính được sự biến động lâu dài của cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước dù đã xây dựng được quy hoạch, tiến hành tuyên truyền, vận động người dân, song cũng không thể đứng ngoài cuộc, cho rằng đã làm “tròn vai”. Các giải pháp tổng thể cũng như chi tiết được vạch ra cần tiến hành rốt ráo, quyết liệt hơn nữa để thực sự đem lại hiệu quả, sự chuyển biến trong thực tế, đặc biệt là khâu đánh giá cung-cầu thị trường, khuyến cáo thường xuyên tới địa phương, người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu theo chuỗi…