Năm 2015, Hội ND xã Long Phước, TP.Bà Rịa đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lớp dạy nghề nuôi dê cho 25 hội viên nông dân ở ấp Phong Phú. Tham gia lớp học nghề, người dân ấp Phong Phú không chỉ học cách chăm dê béo, nuôi dê khỏe, mà còn được hướng dẫn cách “bắt bệnh” cho dê, chủ động phòng bệnh. Anh Phạm Văn Bường là một trong những hộ phát triển mạnh đàn dê sau khi được học nghề. Anh Bường cho biết: Lúc đầu, anh Bường không biết gì về chăn nuôi dê. Đầu năm 2015, khi được cán bộ Hội ND xã đến vận động, anh Bường liền tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do Hội ND xã phối hợp tổ chức.
Một mô hình nuôi dê của nông dân Long Phước đã có thu nhập khá. Ảnh: Văn Minh
“Tham gia lớp học nghề, có thầy “cầm tay chỉ việc”, tôi đã áp dụng thuần thục và chuẩn chỉ các khâu từ chăm sóc, tiêm phòng, nhận biết và điều trị bệnh cho đàn dê và hiểu được nguồn gốc vấn đề nên nuôi dê hiệu quả” - anh Bường bộc bạch.
Ngoài ra, sau học nghề, anh Bường lại được Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP.Bà Rịa cho vay 30 triệu đồng đầu tư chuồng trại và dê giống. Đến nay, anh Bường đã phát triển đàn dê được 60 con.
Anh Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội ND xã Long Phước cho biết: Để nông dân nuôi dê bài bản, Hội ND xã đã tổ chức lớp dạy nghề nuôi dê. Đáng chú ý, để hỗ trợ nông dân sau học nghề, Hội ND đã giải ngân 580 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND của thành phố và tỉnh. Đến nay ấp Phong Phú đã có trên 30 hộ tham gia mô” - anh Minh cho biết.
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 326 lớp dạy nghề cho 9.761 lao động nông thôn. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Quỹ HTND tổ chức đào tạo nghề gắn với nguồn vốn vay của quỹ.
Ông Đoàn Văn Hai - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết: Hiện Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 81 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND. Sau khóa học nếu học viên có nhu cầu và được Hội ND xã xây dựng dự án hỗ trợ nông dân sau học nghề đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, mỗi mô hình sẽ được quỹ giải ngân từ 300-500 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ được vay 30-50 triệu đồng để tạo điều kiện cho các học viên phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu bằng chính nghề được đào tạo.