Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có chiều dài gần 5km, rộng 40-100m, đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây.
Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp đã bị nhiễm nước mặn
Đoạn tiếp giáp với cống điều tiết nước từ bên ngoài vào và ngược lại
Hồ này được khởi công thực hiện từ năm 2017, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Đến tháng 8/2019, hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây chính thức được đưa vào sử dụng.
Theo thiết kế, hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước. Hiện tại, hồ cung cấp nước ngọt cho khoảng 500 hộ dân của năm xã, đến năm sau, đường ống được mở rộng sẽ cung cấp cho khoảng 5.000 hộ dân.
Mực nước trong hồ đạng bị sụt giảm.
Tuy nhiên, nơi đây đã bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho việc lấy nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Những thửa ruộng hai bên bờ hồ trơ gốc rạ, mặt đất nứt nẻ.
Cây xanh chết héo vì nắng nóng và không có nước ngọt tưới
Dù các cống xung quanh hồ đã được đóng kín từ nhiều tháng trước nhưng nước trong hồ vẫn bị mặn
Ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp nhiễm mặn là điều không mong muốn của địa phương.
Nhà máy xử lý nước hồ Kênh Lấp.
Khi phát hiện mặn, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn nhưng chỉ mới có thể rửa được nước lớp mặt bên trên, nước mặn ở dưới đáy vẫn còn khoảng 1.45‰.
"Thời gian tới, địa phương sẽ kiến nghị với các đơn vị có liên quan tiến hành các giải pháp rửa mặn, có thể xả hết nước mặn trong hồ ra khi nước sông bên ngoài hồ ngọt trở lại hoặc trong mùa mưa tới" - ông Chương nói.
Hôm nay (20/2), Bộ NN&PTNT đã đến tỉnh Bến Tre kiểm tra tình hình hạn, mặn và công tác ứng phó của địa phương. Đoàn công tác cùng lãnh đạo địa phương đã đến khảo sát một số công trình phòng chống hạn, mặn, trong đó có hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp. Báo cáo với đoàn kiểm tra, Sở NN&PTNT cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2019, mặn trên các sông chính trong tỉnh đã xâm nhập nhanh, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hai tháng, độ mặn đo được tại các trạm rất cao. Dự báo độ mặn trong thời gian tới sẽ diện biến phức tạp, khó lường, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao từ nay đến cuối tháng 3/2020. Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân chậm phát triển do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và có nguy cơ mất trắng. Các loại cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng cũng bị ảnh hưởng với diện tích trên 20.000 ha. |