Đà tăng trần của nhóm cổ phiếu "họ Vingroup " diễn ra trong bối cảnh Vinfast liên tục đón nhận nhiều tin vui trên thị trường quốc tế trong thời gian ngắn trở lại đây.
Cụ thể, theo thông tin từ tờ Deccan Herald (Ấn Độ), VinFast đã được giao khoảng 400 mẫu Anh (gần 160 ha) đất tại khu công nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn Xúc tiến Công nghiệp Nhà nước Tamil Nadu (SIPCOT) ở thành phố Thoothukudi. Đây là diện tích để xây dựng nhà máy đầu tiên của VinFast ở Ấn Độ, với lễ động thổ dự kiến tổ chức vào ngày 25/2 tới.
Công ty hiện sẽ bắt đầu thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp phép chính thức. Ngoài ra, Vinfast cũng cam kết đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn đầu của dự án trong thời gian 5 năm và số tiền có thể lên tới 2 tỷ USD.
Theo tuyên bố của VinFast trong một văn bản đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (US Securities and Exchange Commission), Ấn Độ là một trong bảy cụm thị trường quốc tế tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Âu mà VinFast đang tìm cách tham gia, nhằm mở rộng vị thế toàn cầu của mình tại các khu vực mà công ty kỳ vọng là "có nhu cầu cao về xe điện".
Ngoài thị trường Ấn Độ, Vinfast cũng có kế hoạch đầu tư tại thị trường Philippines. Kế hoạch đầu tư được Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos JR và phái đoàn cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng kinh doanh tới tối thiểu 50 quốc gia trong năm nay của VinFast, trong đó xác định Đông Nam Á là một trong những khu vực trọng điểm.
Không chỉ ở mảng sản xuất, lĩnh vực bất động sản của Vingroup cũng vừa đón tin vui khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc với liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện khu đô thị nêu trên.
Dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây có diện tích khoảng 1.090 ha, quy mô dân số khoảng 89.960 người. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện 7 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư). Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng.
Trở lại phiên giao dịch chứng khoán hôm nay, ngoài "họ Vingroup ", tâm điểm của thị trường là mã BHI của Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BHI).
Cụ thể, phiên hôm nay, BHI ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử với 75 triệu CP được sang tay cho khối ngoại. Giá trị giao dịch hơn 1.628 tỷ đồng, tương ứng 21.708 đồng/CP. Với thanh khoản cao đột biến, thị giá cổ phiếu BHI bật tăng 14,9% so với giá tham chiếu, lên mức 23.900 đồng/CP.
Trong khi đó, mặc dù hôm nay là ngày Thần Tài nhưng cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) bất ngờ giảm mạnh, báo hiệu kết thúc nhịp tăng giá.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu PNJ giảm 1,99%, qua đó tiến về vùng 88.700 đồng/CP với thanh khoản tương đối khá, hơn 1 triệu cổ phiếu .
Tính từ vùng giá đáy quanh mốc 72.000 đồng, cổ phiếu PNJ hiện đã tăng khoảng 30% (vùng đỉnh của cổ phiếu được xác định quanh mốc 93.000 đồng/CP). Đáng chú ý, đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu kể từ khi lên sàn chứng khoán .
Ngoài ra, có thể thấy rằng nhu cầu mua cổ phiếu PNJ tại vùng giá trên 90.000 đồng đã sụt giảm đáng kể, trong khi đó phe bán lại bắt đầu xuất hiện.
Kết hợp với việc cổ phiếu đang biến động tại vùng kháng cự mạnh, PNJ hoàn toàn có khả năng điều chỉnh trong các phiên tới. Trên đồ thị, vùng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu được xác định quanh mốc giá 83.000 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, phiên hôm nay tại nhóm đầu tư công, các mã cổ phiếu thuộc liên danh VIETUR gồm CC1, VCG, HAN,... có phần cải thiện với đà tăng trên 2%. Cùng chiều, các cổ phiếu cùng ngành khác như HHV, KSB, FCN, LCG,… cũng tăng điểm với biên độ đáng kể.
Diễn biến cùng chiều nhóm đầu tư công, nhóm cổ phiếu thép có phần giữ nhịp. Bộ 3 cổ phiếu HPG, HSG, NKG ghi nhận mức tăng quanh 2%. Đáng chú ý, POM bất ngờ đóng cửa trong trạng thái tím trần.
Tại nhóm chứng khoán , dòng tiền có tín hiệu suy giảm đáng kể, dẫn tới diễn biến phân hóa rõ ràng. Trong cuối phiên chiều, sắc đỏ tiếp tục bao trùm toàn ngành. Trong khi đó, nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa rõ ràng của dòng tiền.
Tại nhóm dầu khí, diễn biến của của giá dầu trong ngày hôm qua đã tác động một phần tới biến động của cổ phiếu năng lượng. Chốt phiên, PVD, PVS, BSR, PVC phân hóa trong sắc xanh, đỏ đan xen với thanh khoản tương đối.
Ngoài ra, lực mua tiếp tục tăng dần tại nhóm bất động sản trong phiên chiều. Kết phiên giao dịch chiều 19/2, các cổ phiếu như DIG, CEO, HDC, DXG,… phân hóa trong sắc xanh giao động từ 1% - 3%.
Đóng cửa phiên giao dịch 19/2, VN-Index tăng 15,27 điểm (1,26%) lên 1.224 điểm. Thanh khoản cũng tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt gần 23.000 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, họ đã mua ròng đột biến 1.812 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên sàn HNX, số lượng mã đỏ vẫn chiếm ưu thế, chỉ số HNX-Index tiến về vùng 233 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, tương đương 87 triệu đơn vị, trị giá khoảng hơn 1.600 tỷ đồng.
Còn trên UPCoM, chốt phiên, UPCoM-Index ghi nhận biến động không quá lớn. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 46 triệu đơn vị, giá trị khoảng trên 495 tỷ đồng.