Cơ duyên đến với vùng đất xứ Mường
Ông Nguyễn Văn Thảo sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, nhưng cái duyên đã đưa ông đến với vùng đất xứ Mường (Hòa Bình) và gắn bó với cơ nghiệp làm nông ở mảnh đất này. Cách đây gần chục năm, khi còn đang công tác ở Sở Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch Hà Nội, ông muốn tìm mua một mảnh đất để trồng trọt theo sở thích.
Qua bạn bè giới thiệu ông tìm được mảnh đất ở trong xóm Mỵ, xã Yên Mông. Đây vốn là đất đồi hoang cây cỏ mọc um tùm. Sau đó ông quyết định nghỉ hưu sớm, lên Hòa Bình trồng cây ăn quả có múi trên đất dốc phát triển kinh tế.
Với ông Thảo, mùa hoa bưởi cũng là mùa của hy vọng cho một mùa vụ bôi thu sắp tới.
Khu vườn của ông Thảo rộng hơn 4 ha, với thế đất "tựa sơn đạp thủy”. Cả khu vườn và ngôi nhà sàn dựa lưng vào dãy núi và nhìn ra sông Đà, đây là địa thế đắc địa và tuyệt đẹp. Từng hàng bưởi da xanh thẳng tắp, xanh tốt. Bưởi đang độ ra hoa, hương thơm ngào ngạt tỏa cả 1 vùng rộng lớn chìm trong hương bưởi.
Chúng tôi đi một vòng quanh khu vườn, được tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm cây bưởi da xanh cây nào cũng có hoa, quả to, quả nhỏ các lứa khác nhau. Ông Thảo cho hay: “Trong vườn nhà tôi trồng 700 cây bưởi da xanh và mấy trăm cây bưởi đỏ, bưởi Diễn. Tôi kết nhất giống bưởi da xanh. Ở đất này, bưởi da xanh cho quả ăn đậm, múi to. Sau gần 10 năm nghiên cứu và tìm hiểu về giống bưởi da xanh, tôi đã có cách chăm sóc ép bưởi da xanh ra quả trái vụ như ở miền Nam".
Vườn bưởi da xanh của ông Thảo, cây nào cũng có hoa, quả to, quả nhỏ các lứa khác nhau.
Bí quyết chăm sóc bưởi da xanh ra quả quanh năm
Ông Thảo chia sẻ: “Trong 1 cây bưởi da xanh, có thể điều chỉnh cành nào ra hoa trước, cành nào ra hoa sau. Cách làm rất đơn giản, trên cây bưởi da xanh bao giờ cũng có cành già và cành non. Nếu muốn cây ra trái vụ thì vặt trụi lá ở cành già. Sau đó phun siêu lân, khoảng 1 tháng trên các cành sẽ ra hoa. Tôi thường bón phân hữu cơ, không dùng phân hóa học. Trong nhiều năm gắn bó với cây bưởi, tôi thấy rễ của nó rất nhạy cảm, nếu được bón phân hữu cơ cây sẽ phát triển và ra hoa nhiều”.
Cách làm của ông Thảo có thể áp dụng trên bất cứ một cây bưởi da xanh nào, nếu như cây đó đủ sức để ra hoa và đậu quả. Ông Thảo cho rằng: “ Tôi thấy với cách làm này trên cây có nhiều loại quả, có thể thu vào các khoảng thời gian khác nhau, điều chỉnh cây tránh ra quả rộ vào chính vụ. Bưởi da xanh trái vụ bao giờ giá cũng cao hơn chính vụ”.
Nhờ cách chăm sóc tốt, từng chùm hoa dày đặc cứ tầng tầng, lớp lớp chồng lên nhau hứa hẹn một vụ bưởi chĩu cành.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Thảo cho hay: “Hiện tại, trong vườn nhà tôi khoảng 300 cây cho thu quả, đến vụ thu hoạch bưởi các thương lái ở Hòa Bình, Hà Nội... đánh xe tải về mua rất đông. Nhiều khách hàng tin tưởng muốn mua làm quà biếu gọi điện cho tôi đặt hàng trước, nhưng có thời điểm tôi cũng không đủ hàng. Từ lúc trồng bưởi da xanh thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên nhiếu. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm tôi thu lãi 240 triệu đồng.
Ông Thảo vui mừng khi thấy công sức của mình bỏ ra đang cho trái ngọt và thu nhập cao.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thảo còn chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ trong xóm phát triển kinh tế. Vì vậy, ông được rất nhiều người quý mến. Anh Trần Văn Kiên ở xóm Mỵ, xã Yên Mông cho biết: “Từ ngày ông Thảo về đây trồng cây ăn quả cho trái xum xuê, bán được giá cao. Thấy ông có thu nhập cao nên nhiều người trong xóm cải tạo vườn tạp trồng bưởi da xanh. Khi chúng tôi đến hỏi cách chăm sóc, ông Thảo sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đến nhà hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con. Nhiều người học ông không chỉ kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn ở sự chịu khó, tần tảo của người nông dân".
Hiện nay, tại 4 ha của ông Thảo không chỉ trồng riêng bưởi da xanh mà còn trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác, như: Mít Thái, dứa, bưởi đỏ... Trong tương lai khi các loại cây đều cho thu hoạch quả, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông.