Tuy ở khu vực miền núi, nhưng tỉnh Hòa Bình lại có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn. Với diện tích lòng hồ thủy điện Hòa Bình khoảng trên 10.000ha nằm ở địa bàn TP. Hòa Bình và 4 huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc, chiều dài trên 80km là tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi cá lồng.
Để nuôi cá lồng đạt hiệu quả, những năm qua UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Nhờ đó, đã thúc đẩy người dân lòng hồ phát triển nuôi cá lồng khá mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng hàng năm.
Nghề nuôi các loại cá chiên, cá trắm cỏ, cá chép... trên lòng hồ Hòa Bình mà nhiều người dân địa phương có thu nhập khác.
Nhờ lợi thế về diện tích mặt hồ, nhiều người dân sinh sống ở các xã Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân đã tận dụng địa thế đắc địa này để làm lồng nuôi các loại cá như cá chiên, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi... Các mô hình nuôi cá lồng khá phổ biến, nhưng nếu nuôi cá lồng bằng thức ăn hữu cơ (cỏ voi, lá chuối, các loại rau...) thì có lẽ ít ngư dân nào vượt qua được ông Nguyễn Đình Chiến, tổ Bãi Sang (xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).
Ông Đinh Văn Nhu (xóm Vôi, xã Thái Bình, TP. Hòa Bình) nuôi cá lồng bằng thức ăn hữu cơ, nên cá luôn bán được với giá cao.
Ông Chiến chia sẻ: “Khi được huyện tuyên truyền, vận động về định hướng phát triển nghề nguôi cá lồng, tôi mua thùng phi, lưới, sắt về làm cá lồng để phát triển kinh tế. Hiện tôi nuôi 8 lồng cá, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép... Để cá có chất lượng thơm ngon, dễ bán, tôi trồng cỏ voi, lấy lá chuối, vỏ trấu làm thức ăn cho cá".
"Quá trình chăm sóc cá, tôi hạn chế sử dụng cám công nghiệp, chính vì vậy mà cá của gia đình tôi nuôi có thịt săn chắc, thơm ngon và bảo đảm yếu tố sạch, nên được rất nhiều khách hàng lựa chọn. Gia đình tôi nuôi tới đâu, thương lái mua hết đến đó thu nhập của gia đình khá ổn định. Sau khi trừ chi phí, tôi có lãi hơn 200 triệu đồng/năm”, ông Chiến nói.
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng hữu cơ trên sông Đà, nhất là ở hồ Hòa Bình đã phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm, nhờ đó nhiều nông hộ đã có cuộc sống dư dả.
Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng hữu cơ là tiết kiệm được chi phí mua thức ăn hơn so với mô hình nuôi công nghiệp, chất lượng thịt cá thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đánh trúng vào thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Những năm gần đây, lồng nuôi cá được ngư dân chuyển từ lồng tre sang lồng sắt, nhờ đó số lượng cá nuôi được nhiều hơn, lồng thoáng, dễ vệ sinh nên tỉ lệ cá nhiễm dịch bệnh thấp, ít hao hụt.
Nhờ chăm sóc cá lồng bằng cỏ voi, lá chuối, các loại rau mà đàn cá chiên, cá chép, cá rô phi lớn nhanh, thịt chắc ngọt, bán được giá cao.
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà hơn 10 năm nay, anh Đinh Văn Nhu (xóm Vôi, xã Thái Bình, TP. Hòa Bình), chia sẻ: “Tôi nuôi 6 lồng cá, chủ yếu là cá trắm cỏ. Tùy theo kích cỡ lồng và giống cá mà thả mật độ phù hợp. Hiện trên thị trường ngày càng ưa chuộng các loại cá nuôi bằng thức ăn thô xanh nên đắt khách lắm. Mỗi lồng cá tôi thả 200 con trắm, cuối năm thu được khoảng 9 tạ cá thương phẩm/lồng. Với giá bán 100.000 – 120.000 đồng/kg, mỗi lồng cá cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi gần 100 triệu đồng”.
“Hiện nay nuôi lợn rất bấp bênh, do dịch bệnh phức tạp, giá lợn hơi lên xuống khó lường, trong khi nuôi cá thì cả ngày tôi chỉ cần cho cá ăn 1 bữa. Cỏ voi tôi trồng được nên không tốn chi phí mua thức ăn. Tôi chỉ cho chúng ăn cỏ, nên thịt của chúng thơm ngon. Khách ở TP. Hòa Bình gọi điện mua cá suốt ngày. 6 lồng cá mà chả có lúc nào đủ hàng bán cho họ” – anh Nhu chia sẻ thêm với phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Toàn tỉnh Hòa Bình có 4.200 lồng cá với tổng sản lượng thu về là 3.700 tấn/năm.
Xác định nghề nuôi cá lồng là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên con đường xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã vận động nhân dân mở rộng mô hình nuôi cá sạch gắn với bảo vệ môi trường nước, đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Là một trong những hộ tiêu biểu phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá lồng, anh Xa Văn Đẳng, xóm Tham (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), cho biết: "Tôi nuôi 9 lồng cá, chủ yếu là cá trắm đen, rô phi… Mỗi năm tôi xuất ra thị trường từ 3 - 4 tấn cá. Trong quá trình nuôi cá lồng tôi không lạm dụng thuốc tăng trọng, hạn chế dùng thức ăn công nghiệp nên chất lượng cá rất săn chắc. Cá trắm đen tôi bán với giá 100.000 - 150.000 đồng/kg, cá rô phi giá 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi gần 160 triệu đồng. Thương lái thu mua sản phẩm chủ yếu đến từ các nhà hàng tại Hà Nội, TP. Hòa Bình và các tỉnh lân cận”.
Đầu tư nuôi cá lồng trên hồ thủy điện sông Đà, nhiều hộ gia đình ở Hòa Bình đã có thu nhập khá, có của ăn của để.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 4.200 lồng cá với tổng sản lượng thu về là 3.700 tấn/năm. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang có xu hướng phát triển, công nghệ nuôi lồng lưới được phổ biến rộng rãi đến người dân, giúp nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư. Tỉnh cũng định hướng xây dựng thương hiệu đặc sản cá sông Đà trong thời gian tới, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và làm giàu ở địa phương.