Hơn 85% có việc làm sau học nghề
Trao đổi về tình hình địa phương, bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Chủ tịch Hội ND Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên gần 4.600km2; dân số trên 83 vạn người; có 7 dân tộc cùng chung sống lâu đời, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%. Dân cư nông thôn chiếm 79%, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm 68%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 53,5%.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình - Nguyễn Thị Cẩm Phương (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình rau hữu cơ tại xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn. Ảnh: Thu Hà
Sau thời gian học nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%. |
Về công tác dạy nghề cho nông dân, trong thời gian qua các cấp Hội ND đã tích cực chú trọng, quan tâm hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Hàng năm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cùng với Hội ND các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Từ năm 2018 đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức 33 lớp cho 1.320 hội viên nông dân phối hợp tổ chức 89 lớp cho 3.560 lượt người; trong đó giới thiệu và tạo việc làm cho trên 4.150 hội viên nông dân đã tham gia học nghề.
Học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Sau thời gian học nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%.
Cùng với dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp Hội ND trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội ND Việt Nam về xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 102 tổ hội nghề nghiệp với 1.610 thành viên tham gia, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân.
Thu nhập cải thiện rõ rệt
Năm 2009, Hội ND xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn đã mở lớp dạy nghề trồng rau hữu cơ cho 25 học viên là nông dân trên địa bàn xã. Sau học nghề, các cấp Hội ND đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân liên kết trồng rau hữu cơ, thành lập HTX Trại Hòa, Hợp Hòa. Chị Hoàng Thị Long - Giám đốc HTX hữu cơ Trại Hòa cho biết: Hiện nay, HTX có 61 thành viên tham gia trồng rau hữu cơ với diện tích 8ha, thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu/người/tháng, cao hơn hẳn so với trồng lúa.
Bà Bùi Thị Sinh - xã viên HTX nông sản hữu cơ xóm Trại Hòa chia sẻ: "Sản xuất rau hữu cơ vừa an toàn cho sức khỏe người trồng hái, vừa đảm bảo môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi đó giá bán lại cao hơn các loại rau thông thường 30%, thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày.
Là một trong những đơn vị hội cơ sở tích cực thực hiện công tác dạy nghề cho nông dân, Chủ tịch Hội ND, Trưởng liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn Phùng Thị Lan cho biết: Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ (Xuân Mai, Hà Nội), huyện đã triển khai dự án trồng rau hữu cơ tại các xã: Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn với ý nghĩa ban đầu nhằm tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nghèo.
Theo bà Lan, để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ bảo đảm theo đúng quy trình, người trồng rau Lương Sơn phải tham gia lớp tập huấn 3 tháng về kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận trồng rau hữu cơ (tính từ năm 2008 đến nay đã có hơn 2.000 nông dân được đào tạo và được cấp chứng chỉ).
Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau quả hữu cơ Lương Sơn được mở rộng hơn 22ha, trong đó diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 12ha. Trung bình mỗi tháng, cung cấp ra thị trường khoảng 16 tấn rau, quả hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Phần lớn rau, quả hữu cơ Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là Công ty VinaGAP, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt, doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng/năm.