2019 sẽ không đạt kế hoạch
Với tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản trong năm nay, các doanh nghiệp xây dựng hầu hết gặp khó khăn về việc nhận thầu, thanh toán giá trị công trình, không ngoại trừ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ( HoSE: HBC ). Trong 9 tháng, doanh thu Hòa Bình tăng 7% nhưng lợi nhuận giảm 54%, chỉ hoàn thành 34% kế hoạch năm.
Trong buổi gặp gỡ với các nhà phân tích chiều 22/11, ông Trần Quang Đại, Giám đốc Tài chính tập đoàn cho biết kết quả năm nay sẽ khó đạt mục tiêu đề ra (doanh thu 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 16%).
Theo ông Đại, doanh thu có thể ghi nhận khoảng 18.000 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế khoảng 400 - 430 tỷ đồng (hoàn thành khoảng 50 - 60% kế hoạch năm). Bởi thị trường khó khăn nên số backlog (hợp đồng đã ký và chưa thực hiện) đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch khoảng 33%.
Đơn vị: tỷ đồng |
Kế hoạch LNST hợp nhất 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng, bao gồm 35% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng
Ông Trần Quang Đại cho biết năm 2020, số lượng backlog có thể đạt 21.000 tỷ đồng, bao gồm gần 5.000 tỷ đồng đến từ xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đây là mảng Hòa Bình bắt đầu đẩy mạnh vì tiềm năng lớn, thay thế cho xây dựng dân dụng còn gặp khó khăn và tương lai có thể bão hòa.
Trên cơ sở đó, tập đoàn có thể đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 22.000 tỷ đồng với lợi nhuận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Nếu được thông qua, mục tiêu lợi nhuận này sẽ cao nhất trong lịch sử Hòa Bình từ trước đến nay.
Ông Trần Quang Đại nói cơ cấu lợi nhuận sẽ đến từ 2 mảng chính: 65% từ xây dựng dân dụng và 35% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng.
|
Với mảng xây dựng dân dụng, Hòa Bình ưu tiên cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung vào các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Capital Land, Novaland... để đảm bảo khả năng thanh toán.
Để có con số kế hoạch 35%, Xây dựng Hòa Bình ngoài việc đã có kinh nghiệm nhận thầu từ nhiều công trình xây dựng công nghiệp thì tiến hành mua phần vốn 57% của Công ty 479. Đơn vị này được tách ra từ Tổng công ty Cienco4, chuyên về thi công hạ tầng, có bề dày kinh nghiệm ở những công trình hạ tầng quy mô trong cả nước, sở hữu lượng khách hàng lớn về lĩnh vực hạ tầng. Tập đoàn Hòa Bình kỳ vọng với kinh nghiệm của Công ty 479, việc nhận và triển khai các gói thầu thi công hạ tầng không phải vấn đề quá lớn.
Trước e ngại về việc công trình hạ tầng chủ yếu từ vốn nhà nước, có thể gặp vấn đề chậm giải ngân hoặc phải tạm dừng cho thay đổi chính sách, Giám đốc tài chính Hòa Bình nói sẽ ưu tiên các dự án có trên 50% vốn Nhà nước.
Từng bước cải thiện dòng tiền và khoản phải thu
Tính đến 30/9, phải thu theo tiến độ hợp đồng của Hòa Bình đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn của khách hàng đến cuối kỳ là 5.575 tỷ đồng, giảm 10%. Công ty đã trích lập dự phòng khoảng 390 tỷ đồng cho khoản phải thu ngắn hạn.
Dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình từ 2017 đến tháng 9/2029 đều âm, lần lượt âm 1.096 tỷ đồng, 182 tỷ đồng và 1.411 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Đại nói để cải thiện, Hòa Bình có khoản phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1.200 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi, nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và đầu tư vào các dự án nước ngoài.
Lộ trình trong 3 năm tới, Hòa Bình còn có thể tiến hành niêm yết các công ty con trong từng mảng kinh doanh lên sàn chứng khoán. Vị Giám đốc tài chính tiết lộ nhiều quỹ nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua cổ phần đầu tư tại các công ty con này.
Với kế hoạch đầu tư dự án ở nước ngoài, đại diện Hòa Bình nói đã mua một khu đất trung tâm Canada và sắp khởi công. Hiện tại, Hòa Bình mới chuyển 1 triệu USD để vận hành những bước đầu tiên. Công ty có thể phát hành trái phiếu quốc tế để đầu tư cho dự án với mức lãi suất chỉ 2%/năm. Với giá vốn khoảng 700 - 1.000 USD/m2 xây dựng, Hòa Bình dự kiến có thể bán với giá 5.000 - 7.000 USD/m2.