Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa “làm chủ” được chuỗi cung ứng ngành điều trước nhiều biến động bên ngoài lẫn vấn đề nội tại. Để phát triển ngành điều Việt Nam nói riêng, ngành điều thế giới nói chung cần phải định hình lại và hoá giải những nghịch lý đang tồn tại trong chuỗi cung ứng . Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình từ ngày 26-28/2.
Hệ lụy từ tăng trưởng “nóng”
Việt Nam là trung tâm chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu, từ nhập khẩu nguyên liệu thô (từ châu Phi, Campuchia, Indonesia) đến chế biến và xuất khẩu nhân điều sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước EU... Năm 2023, ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới, xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại. Thế nhưng, đằng sau con số kỷ lục ấy đang hình thành các nguy cơ đối với ngành điều Việt Nam và ngành điều toàn cầu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, trước đại dịch COVID-19, khi chuỗi cung ứng điều hoạt động trơn tru, các bên đều có lãi, nhà máy chế biến tại Việt Nam tăng nóng cả về số lượng và công suất chế biến với gần 1.500 nhà máy, cơ sở chế biến lớn nhỏ. Sự tăng trưởng “nóng” của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu; trong khi giá điều thô rất cao ở đầu vụ, cuối vụ có giảm nhưng kèm theo là chất lượng giảm và vẫn không cân đối với giá bán của điều nhân khiến cho nhiều nhà chế biến thua lỗ.
Trong khi đó, với nguồn nguyên liệu từ các vùng trồng điều ở châu Phi và các nước khác cũng tăng nhanh, làm sản lượng điều tăng mạnh. Chỉ riêng Bờ Biển Ngà , nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới, từ 680.000 tấn/năm tăng lên 800.000 tấn/năm và hiện nay lên tới 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia từ 200.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm và đang nỗ lực để đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong vài năm tới. Sản lượng điều thô sẽ còn tiếp tục tăng do diện tích trồng mới ở các nước châu Phi và Campuchia khá lớn và đang vào giai đoạn trưởng thành, cho thu hoạch.
Sự tăng trưởng “nóng” về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại; trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như: Quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chiên rang, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và tiêu dùng giảm nên không tăng được giá bán, do vậy không tăng giá mua nhân điều.
Theo ông Phạm Văn Công, giá thành cao hơn giá bán thời gian qua đã khiến hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân Việt Nam bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận. Không ít nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng. Nguy cơ đóng cửa hàng loạt nhà máy chế biến điều đang cận kề. Với thị phần gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới, nếu ngành điều Việt Nam suy yếu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, thị trường sẽ thiếu hụt điều nhân còn điều thô sẽ dư thừa.
Ông Adama Coulibaly, Giám đốc điều hành Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà thông tin, Bờ Biển Ngà là quốc gia cung ứng hạt giống và nguyên liệu điều thô hàng đầu thế giới với sản lượng lên 1,25 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, ngành chế biến điều tại Bờ Biển Ngà còn hạn chế, phần lớn điều thô được xuất khẩu và Việt Nam là thị trường lớn nhất, tiêu thụ 65-85% sản lượng điều thô hàng năm.
Theo ông Adama Coulibaly, giá nhân điều thế giới đã có xu hướng giảm từ năm 2018, dẫn theo sự giảm giá của điều thô. Thu nhập của nông dân trồng điều bấp bênh còn nhà chế biến chịu thua lỗ. Tuy nhiên trong cùng thời điểm đó, người dân mua hạt điều từ các siêu thị, tạp hoá vẫn phải trả giá rất cao. Đây chính là nghịch lý trong chuỗi giá trị nếu kéo dài tình trạng trên sẽ khiến cả nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều từ bỏ ngành hàng này.
Liên kết tạo sức mạnh
Nhu cầu điều nhân thế giới đã phục hồi từ nửa cuối năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC) cho biết, sản lượng hạt điều toàn cầu đã tăng 65% trong vòng 10 năm qua và trở thành loại hạt khô có nguồn cung lớn thứ 2 trên thế giới, có sức chi phối lớn đến thị trường ngành quả khô. Về tiêu thụ, sau giai đoạn sụt giảm trong năm 2022, nhu cầu sử dụng các loại hạt nói chung (trong đó có hạt điều) đang có xu hướng tăng trên toàn cầu bởi đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng với tình hình kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đang dần được cải thiện, đặc biệt dư địa của hạt điều tại Trung Quốc vẫn còn rất lớn, việc gia tăng lượng tiêu thụ và cải thiện giá bán điều nhân trong thời gian tới là có cơ sở. Bà Chen Ying, Tổng Thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA) thông tin thêm, nhu cầu nhập khẩu các loại hạt của Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên từ năm 2019 đến nay, kể cả khi nền kinh tế nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19. Trong các loại hạt đang được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Riêng với hạt điều, 70% lượng hàng nhập khẩu đến từ Việt Nam và vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Nhu cầu tiêu dùng hạt điều tiếp tục xu hướng tăng giúp xuất khẩu điều nhân của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm. Theo Vinacas, sản lượng xuất khẩu hạt điều tháng 1/2024 đạt gần 64.000 tấn điều nhân, thu về 339 triệu USD, tăng 137% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là khởi đầu thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD của ngành điều Việt Nam trong năm 2024.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Công cho rằng, nhu cầu thị trường có tốt mà mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp tiếp tục cách làm cũ, chỉ nghĩ đến lợi ích quốc gia mình hay lợi ích của một/một nhóm doanh nghiệp thì vẫn dẫn đến sự gãy đổ cả chuỗi cung ứng điều. Do đó, hơn lúc nào hết, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà môi giới, nhà thu mua, nhà chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ phải bắt tay nhau, cùng định hình lại vai trò, trách nhiệm của mình trong việc liên kết, hợp tác song phương và đa phương. Đặc biệt, sự minh bạch, hài hoà lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị là cơ sở để hợp tác và phát triển bền vững trên tinh thần “cùng thắng”.
Ngoài minh bạch thông tin thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề sống còn của ngành chế biến điều Việt Nam trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới ngày càng khốc liệt. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho biết: Các cơ quan kiểm soát của Mỹ, các nước EU và cả Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm. Thời gian qua Vinacas đã nhận được văn bản chính thức từ hai hiệp hội ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn cảnh báo về việc an toàn vệ sinh thực phẩm nhân điều Việt Nam đi xuống.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, đối với điều thô trong nước, Vinacas đã phối hợp với địa phương và cơ quan quản lý hướng dẫn, khuyến cáo nông dân, người thu mua, bảo quản kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu mọt… Tuy nhiên, với điều thô nhập khẩu (chiếm phần lớn trong sản lượng điều chế biến) bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, ngành điều các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo chất lượng điều thô.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, đã đến lúc trong hợp đồng mua bán hạt điều thô phải có điều khoản quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu hàng đến Việt Nam, kết quả giám định vượt mức cho phép thì bị trả hoặc bị phạt. Để thực hiện được điều này, các cơ quan có chức năng cần sớm soạn thảo và ban hành Quy chuẩn Quốc gia về hạt điều thô. Đó là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp điều đàm phán, thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài, phòng tránh rủi ro về chất lượng nguyên liệu gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của ngành điều Việt Nam.