Hiệu quả từ CLB Nông dân với pháp luật
Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Thuận cho biết: Những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Bình Thuận đã tập trung xây dựng các mô hình điểm “Hội ND thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 22 của UBND tỉnh gắn với tham gia thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở” ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, những địa bàn nhạy cảm về tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo có khiếu kiện phức tạp.
Các cấp Hội ND tỉnh Bình Thuận phát hành miễn phí nhiều cuốn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho nông dân. Ảnh: T.L
Từ 2005 đến nay, đã phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động được 382 cuộc cho 19.120 lượt nông dân; tổ chức được 2.269 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 113.480 lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 401 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 20.050 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. |
Đến nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 127/127 cơ sở thành lập Ban chỉ đạo 81. Các cấp Hội đã xây dựng quy chế hoạt động và phân công từng thành viên trong Ban chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã đề xuất T.Ư Hội NDVN, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai 12 mô hình điểm Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật”tại 12 xã, phường, thị trấn tại 9/10 huyện, thị, thành phố (trừ huyện Phú Quý).
Qua việc xây dựng mô hình điểm, vai trò, uy tín của Hội được nâng cao, cán bộ hội tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm nhất là trong vận động nông dân tổ chức hòa giải tại cơ sở; mối quan hệ phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng được chặt chẽ.
Ngoài ra, Hội cũng thành lập 37 CLB “Nông dân với pháp luật” với với 1.204 thành viên, cộng tác viên. Các CLB có 62 tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách có 120 – 160 đầu sách các loại để phục vụ cho cán bộ hội viên, nông dân tìm hiểu pháp luật. Các CLB này đã cùng với Hội ND đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho nông dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tư vấn pháp luật cho nông dân ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp. Từ đó, giúp nông dân giải toả nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự nhất là lĩnh vực đất đai, bồi thường về đất.
Từ 2005 đến nay, đã phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động được 382 cuộc cho 19.120 lượt nông dân; tổ chức được 2.269 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 113.480 lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 401 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 20.050 lượt hội viên, nông dân.
Các cấp Hội chủ động, linh hoạt tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến hội viên, nông dân như qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo, bản tin, website, sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt các tổ vay vốn, CLB khuyến nông, sinh hoạt các mô hình an ninh trật tự, sinh hoạt CLB “Nông dân với pháp luật”… đã tổ chức được 2.814 buổi với trên 275.710 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phát hành miễn phí 2.065 cuốn tài liệu và 202.994 tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền pháp luật.
Chú trọng công tác hoà giải cơ sở
Các cấp Hội còn tham gia cùng các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp 31.812 lượt công dân. Trong đó, Hội xử lý trực tiếp 14.013 lượt chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, giá cả bồi thường, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường phát sinh ở những địa phương có nhiều dự án thu hồi đất của dân; phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động 1.912 cuộc cho 509.661 lượt hội viên, nông dân.
Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tính chất phức tạp, kéo dài liên quan đến quyền, lợi ích của nông dân, Hội ND các cấp đã chủ động tham mưu cho UBND mời các cơ quan liên quan cùng tham gia đối thoại trực tiếp với nông dân; từ đó góp phần giảm bớt những bức xúc cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.
Các cấp Hội tham gia giải quyết 13.708 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Từ tỉnh đến cơ sở luôn được chính quyền cùng cấp tạo điều kiện cho Hội tham gia vào các hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, giám sát các dự án có thu hồi đất của nông dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Ban chỉ đạo các cấp đã lấy công tác hoà giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội ND các cấp đã trực tiếp hòa giải thành công 645 vụ và tham gia với các ngành, đoàn thể ở cơ sở hoà giải thành công 12.826 vụ.
Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hoà giải thấu tình, đạt lý có hiệu quả như: Nông dân xã Sông Bình tranh chấp đất với Công ty Đại Thành, nông dân Sông Luỹ tranh chấp với Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận về đất rừng Dầu (Suối Nhum – Sông Lũy); vụ 10 hộ nông dân xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết) khiếu nại Ban quản lý rừng Phan Thiết; tham gia các vụ kiến nghị đông người của các hộ tiểu thương chợ Võ Xu, vụ của 29 hộ dân có ruộng bị thiệt hại do kênh Bắc Tà Pao làm ngập úng hoa màu, hồ chứa nước Sông Dinh 3; tham gia giải quyết vụ tồn đọng muối Vĩnh Hảo; vụ nổ mìn ở Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong...