Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022. Với hơn 300 triệu người tiêu dùng, Hoa Kỳ là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ, Thám tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ về thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong năm 2022 và triển vọng trong thời gian tới.
PV: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay cán mốc 100 tỷ đô la/năm trong năm 2022, vậy đâu là những yếu tố dẫn tới điều này và những điểm nhấn trong giao thương giữa hai nước trong năm 2022 là gì thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Trước hết, chúng ta điểm qua tình hình kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua. Theo số liệu công bố của bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa mới đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng với tốc độ 3,2% trong quý 3 năm 2022, đây là mức điều chỉnh so với mức trước đây dự kiến là 2,6% và so với mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Điều này phản ánh sự gia tăng trong xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ trong thời gian qua và có niềm tin vào thị trường bất chấp hiện nay tình hình giá cả, lạm phát vẫn tăng cao. Ngoài ra, việc đầu tư và kinh doanh của các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp cũng có sự cải thiện thể hiện qua việc đầu tư vào nhà ở, hàng tồn kho, và nhập khẩu giảm dẫn tới cân bằng cán cân thương mại của Hoa Kỳ.
Lạm phát ở Hoa Kỳ dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao trong vòng 40 năm trở lại đây và Fed dự kiến sẽ có những thay đổi, điều chỉnh chính sách tiền tệ và có khả năng trong thời gian tới, cụ thể là đầu năm 2023, sẽ tiếp tục tăng tãi suất để duy trì cuộc chiến chống lạm phát. Trong bối cảnh đó, trao đổi kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn rất khả quan.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan của Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 101.2 tỷ USD, đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang một quốc gia đạt hơn 100 tỷ USD. Nhập khẩu từ thị trường này đạt khoảng 13,5 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 114,7 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý là 05/37 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm là các mặt hàng thuộc nhóm nông sản và tiêu dùng gồm: hạt điều, sản phẩm hoá chất, cao su, mây tre cói và thảm, sắt thép các loại. Trong đó có hơn 13 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và đặc biệt là có 02 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỷ USD gồm dệt may và máy móc thiệt bị dụng cụ phụ tùng khác.
Những mối liên kết này cho thấy giữa hai nền kinh tế có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, mang tính chất bổ trợ cho nhau và quan hệ thương mại song phương cũng góp phần quan trọng ra sao đối với việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong năm 2022 cũng như thời gian tới.
Hợp tác hai nước cũng hướng đến mục tiêu hỗ trợ và khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thịnh vượng chung giữa hai nước. Đó là một trong các lý do Việt Nam tham gia là đối tác sáng lập của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay IPEF. Khuôn khổ mới này là một phần trong tầm nhìn trọng tâm của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới. 2023 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, hướng đến kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai bên có sự quan tâm như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khoẻ và kinh tế kỹ thuật số.
PV: Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo, vậy thế mạnh cạnh tranh và khó khăn của các sản phẩm của Việt Nam là gì thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Có thể nói, theo số liệu thống kê hiện nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, theo đó Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta trong năm 2022. Những điểm thuận lợi có lẽ là Hoa Kỳ là thị trường giàu tiềm năng với hơn 300 triệu người tiêu dùng và theo thống kê thì tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ trong năm 2022, như vậy dư địa là rất lớn.
Thứ hai, Hoa Kỳ là thị trường với nhiều sắc tộc, đa dạng về nhu cầu, mức độ sử dụng, tạo nhiều điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thứ ba là thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm và an toàn, thân thiện môi trường, theo đó ưa chuộng các sản phẩm từ quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Thuận lợi thứ tư, vừa là thuận lợi và cũng là điểm mà chúng ta cần khắc phục đó là Việt Nam xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu thô, hàng hoá thiết yếu, do vậy giá trị gia tăng còn hạn chế, đó cũng là điểm mà hàng hóa Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới để tạo thêm giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám.
Thuận lợi thứ năm là chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng tăng trường bền vững và cân bằng thương mại với Hoa Kỳ cũng như quan hệ đối tác toàn diện tốt đẹp trên bình diện ngoại giao, kinh tế, chính trị cũng là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng cường hợp tác kinh tế hai nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lại.
Về khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, chúng ta có thể điểm qua một số khó khăn và đây cũng là những khó khăn chung mà các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng gặp phải và đặc biệt là những nước có xuất khẩu hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á cũng như các nước có lợi thế cạnh tranh so với Việt Nam.
Khó khăn thứ nhất là chính sách tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua theo hướng kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng bền vững nên cũng ảnh hưởng tới kỳ vọng cũng như mức độ chi tiêu của người tiêu dùng đối với việc mua sắm, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó là chi phí vận tải logistics cũng như các quy định của chính quyền liên bang và bang phức tạp, đặc biệt có thể gây ra những rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong các vấn đề kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn lao động. Khó khăn nữa là hiện nay nhu cầu nhập khẩu và giải phóng lượng hàng tồn kho giai của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Khó khăn lớn thứ hai đó là cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia có cùng chủng loại và giá cả cạnh tranh cũng như các yếu tố cạnh tranh so với hàng hóa Việt Nam ví dụ như các quốc gia có vị trí địa lý gần hơn với Hoa Kỳ nên chi phí vận tải thấp hơn cũng như chi phí sản xuất có thể cạnh tranh với hàng của Việt Nam trong các mặt hàng chủ lực chiếm thế mạnh của ta như dệt may và da giày.
Khó khăn thứ ba và có lẽ là một trong những điểm nổi bật trong thời gian vừa qua khi mà cơ quan thương vụ theo dõi tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt rất gay gắt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại, và đặc biệt là các vụ việc điều tra về chống lẩn tránh thuế, phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và việc này ảnh hưởng không những bản thân các doanh nghiệp mà còn trực tiếp tới ngàng hàng đó của Việt Nam, khi đó các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ sẽ tìm sang các quốc gia khác không bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại để có thể nhập khẩu một cách bền vững.
PV: Triển vọng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm tới sẽ ra sao và các doanh nghiệp của chúng ta cần lưu ý tập trung vào những lĩnh vực và vấn đề gì, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Về triển vọng kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới thì có thể nói là hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng là trong năm 2023 chúng ta có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 02 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD, tuy nhiên, như đánh giá, nhận xét của lãnh đạo chính phủ cũng như tình hình thực tế thì năm 2023 sẽ là năm đầy thách thức và khó khăn đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói riêng.
Tuy nhiên, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn đi cùng nhau. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp, sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và Hiệp hội, địa phương cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, ứng phó, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để chiễm lĩnh thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Một trong những điểm mà doanh nghiệp của ta cần lưu ý đó là chính sách hướng tới kinh tế xanh của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách năng lượng tái tạo.
Đối với xu hướng này thì thời gian qua, chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có những chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam cũng như kêu gọi sự tham gia của Doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế xanh để có thể hạn chế được nhiều rủi ro trực tiếp như như gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động của thị trường, rủi ro về pháp lý, nguồn lực…
Ngoài những rủi ro trên, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được nhiều cơ hội, động lực để gia nhập thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị trường Hoa Kỳ và mở rộng thị trường mới cho các sản phẩm mà thân thiện với môi trường cũng như các sản phẩm xanh, qua đó tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi giá trị; nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu của mình.
Một trong những điểm mà các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam cần hết sức lưu ý trong năm 2023 khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đó là hiện nay Hoa Kỳ cũng là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tổng cộng 51 vụ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng cũng rất đa dạng từ nông nghiệp tới công nghiệp và các sản phẩm đó cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang ngày càng tăng cường các biện pháp pháp lý cũng như hình thức để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khi gặp sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường bên ngoài, từ hàng xuất khẩu của các nước nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Dự báo, từ năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát và dự kiến thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời gian qua, tăng trưởng đột biến của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được đặt trong tầm ngắm của các cơ quan của Hoa Kỳ và như vậy khả năng chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Do vậy, khi các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì cần đặc biệt chú ý vấn đề về xuất xứ hàng hóa, xuất xứ nguồn nguyên liệu và cần chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro cũng như theo dõi các cảnh báo về khả năng điều tra phòng vệ thương mại do cơ quan hữu quan của Việt Nam, đặc biệt là Cục Phòng vệ Thương mại của bộ Công thương hiện nay vẫn đang đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để góp phần sao cho việc xuất khẩu hàng hóa được ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!