Bất nhất về giao dịch, tung lên facebook những số tiền khổng lồ hay lựa chọn những kẽ hở pháp luật để lách thuế.. là những chiêu trò của dân chơi lan đột biến đang khiến dư luận kinh ngạc, sợ hãi.
Tuần qua, các thương vụ giao dịch lan đột biến hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận, các cơ quan quản lý hiện chưa có biện pháp quản, kiểm và truy thu thuế.
Thực tế, về quản lý nhà nước, các thương vụ trên đều chịu ràng buộc của pháp luật song các chế tài chưa kín kẽ, khó có thể thu thuế của đối tượng.
Thương vụ giao dịch bán 1 cây Ngọc Sơn Cước và 1 ki (mầm cây) lan Hồng Chương Chi được đưa lên mạng, nhưng khi cơ quan chức năng vào làm việc, chủ vườn khai báo bán 5.000 cây (Ảnh cắt từ video clip) |
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, các thương vụ giao dịch lan đột biến thời gian vừa qua cần làm rõ đối tượng giao dịch, phương thức giao dịch và mục đích giao dịch mới thu được thuế.
Lan là sản phẩm nông nghiệp, các giao dịch liên quan đến sản phẩm cây trồng, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trong giao thương không chịu thuế. Trường hợp sản phẩm nông nghiệp bị đánh thuế khi và chỉ khi nó trở thành hàng hóa trên thị trường, mua đi bán lại qua nhiều người hoặc được xuất khẩu.
Theo Thông tư 92/2015/-TT-BTC, đối với trường hợp lan đột biến là hàng hóa, do cá nhân giao dịch, cá nhân chịu thuế VAT 1,0% và thuế thu nhập 0,5%, mức thuế 1,5%/tổng doanh số.
Trường hợp lan đột biến là hàng hóa, do doanh nghiệp giao dịch, doanh nghiệp chịu mức thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Như vậy, tổng số thuế doanh nghiệp phải chịu là 30%/tổng doanh thu, số thuế khá lớn.
Tuy nhiên, thực tế các thương vụ giao dịch lan đột biến tại Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam hay Quảng Ninh vừa qua, các trường hợp giao dịch lan chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng đều dưới dạng giao dịch cá nhân, sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, ngành thuế đều "việt vị" trong các kế hoạch truy thu thuế thương vụ lan đột biến chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng.
Khác với các giao dịch của doanh nghiệp, giao dịch tiền giữa cá nhân với nhau không phải diện bắt buộc qua ngân hàng, trừ trường hợp các bên yêu cầu chứng thực giao dịch bằng hóa đơn, hợp đồng, giao kết hoặc chuyển nhượng. Chính vì điều này, các đối tượng tham gia các thương vụ chuyển nhượng đều đưa ra những món tiền lớn, thậm chí chồng tiền cực lớn, chụp ảnh câu like và gây xôn xao dư luận.
Theo cán bộ của Cục Thuế tỉnh Hà Nam, vụ giao dịch lan đột biến Bảo Duy giá trị gần 19 tỷ đồng tại địa phương này không chứng thực các hóa đơn, hợp đồng giao dịch. 99% thương vụ này là giả mạo, không có thực.
Tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, trên phông giao dịch lan Var Ngọc Sơn Cước có ghi nhận giao dịch "một cây" lan trị giá 250 tỷ đồng, 1 kie lan Var Hồng Chương Chi trị giá 15 tỷ đồng... Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ vườn khai báo giao dịch 250 tỷ đồng cho 5.000 cây giống lan Var Ngọc Sơn Cước. Rõ ràng, đây là sự bất nhất mà dư luận đều dễ dàng nhận ra.
Về khía cạnh quảng cáo, lan truyền thông tin, hiện Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP và 20/2017/NĐ-CP về quảng cáo đều có quy định rõ về tên cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa chỉ, số điện thoại nơi thực hiện quảng cáo. Tuy nhiên, các hành vi giao dịch được đưa lên mạng, cùng hình ảnh, số tiền giao dịch, không chứng thực, cơ quan chức năng không thể xử lý các hành vi.
Thậm chí, thời gian qua, một số cá nhân buôn bán lan đột biến còn cắt ghép hình ảnh của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội vào các thương vụ buôn bán, kinh doanh lan đột biến nhằm gây chú ý dư luận.
Theo Điều 8, 9, 10 và 11 của Luật Quảng cáo 2012, đây là các hành vi bị cấm bởi lợi dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được sự đồng ý của cá nhân hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh hoặc quảng cáo sử dụng các loại từ ngữ nhất, duy nhất, tốt nhất... hoặc từ ngữ tương tự khan hiếm, độc... mà không có tài liệu chứng minh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được coi là vi phạm pháp luật.
(Theo Dân Trí)