CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 với kết quả vượt trội so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng gấp đôi sản lượng bán hàng.
Việc mở rộng thị trường miền Nam đã giúp cho doanh thu bán hàng của Hoà Phát trong quý 3/2020 đạt 24.686 tỷ đồng, tăng 63,6% cùng kỳ năm trước. Đây là quý đầu tiên doanh thu của Hoà Phát vượt 1 tỷ USD. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần bán hàng đạt 64.340 tỷ, tăng 40,8% cùng kỳ 2019.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của HPG
Biên lợi nhuận gộp trong quý 3 cải thiện đáng kể, đạt 20,9%, trong khi cùng kỳ năm trước là 18%, luỹ kế 9 tháng biên lợi nhuận gộp đạt 19,6%, tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá quặng trong quý 3 tăng rất mạnh, dao động trong khoảng 115-120 USD/tấn song kết quả của quý này vẫn được hưởng lợi từ hàng tồn kho.
Chi phí tài chính quý 3 của Hoà Phát hơn 700 tỷ, gấp đôi cùng kỳ năm trước do Tập đoàn tăng vay nợ để mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2. Luỹ kế 9 tháng chi phí tài chính hơn 2.061 tỷ, tăng 137% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù chi phí tài chính tăng mạnh song lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 3 của Hoà Phát vẫn đạt 4.272 tỷ đồng, tăng 98% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt hơn 10.000 tỷ, tăng 47%.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3 đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 111% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 8.845 tỷ đồng, tăng 56,4% và gần hoàn thành kế hoạch năm (9.000 tỷ).
Lãi ròng cổ đông công ty mẹ quý 3 đạt 3.773 tỷ, luỹ kế 9 tháng đạt hơn 8.800 tỷ, tăng 115% và 57,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng nông nghiệp vượt trội nhờ bán lợn, trứng gà
Trong cơ cấu doanh thu, sản xuất và kinh doanh thép vẫn chiếm đa số (85,6%) tổng doanh thu, đạt 21.127 tỷ. Thực tế số liệu sản xuất thép trong quý 3 đạt hơn 32.000 tỷ tuy nhiên hơn 10.000 tỷ là tiêu thụ nội bộ.
Mảng nông nghiệp đạt doanh thu 2.791 tỷ trong quý 3, tăng 53% cùng kỳ năm trước, chiếm 11,3% tổng doanh thu.
Mặc dù là "tay ngang" trong ngành nông nghiệp, nhưng kết quả mảng nông nghiệp của Hoà Phát nếu so với đại gia trong ngành là Dabaco đã vượt trội. Doanh thu quý 3 mảng nông nghiệp của Hoà Phát đạt 2.791 tỷ so với Dabaco là 2.550 tỷ, lợi nhuận đạt 488 tỷ trong khi Dabaco chỉ đạt 387 tỷ.
Nợ vay vượt 2 tỷ USD
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của Hoà PHát đạt 117.472 tỷ, tăng gần 16.000 tỷ so với đầu năm. Vốn điều lệ đã tăng từ 27.610 tỷ lên 33.132 tỷ sau khi Hoà Phát chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng lên 17.526 tỷ.
Tổng vay nợ của tập đoàn tăng thêm 8.572 tỷ trong 9 tháng đầu năm, từ 36.680 tỷ lên 45.252 tỷ (hơn 2 tỷ USD), trong đó vay ngắn hạn gần 24.000 tỷ, vay dài hạn 21.255 tỷ.
Có khả năng khoản vay nợ này chưa được giải ngân, khoản tiền gửi ngân hàng của Hoà Phát đang để dưới dạng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ 1.374 tỷ đầu năm lên 8.790 tỷ tại thời điểm cuối quý 3. Khoản tiền và tương đương tiền khác đạt hơn 5.628 tỷ, tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu năm cho thấy tình hình tài chính của Hoà Phát khá an toàn.
Hàng tồn kho đạt gần 20.980 tỷ, tăng 1.500 tỷ so với đầu năm. Khoản tài sản cố định đã tăng hơn 20.000 tỷ, tài sản dở dang dài hạn giảm một khoản tương ứng cho thấy Hoà Phát đã ghi nhận một phần nhà máy thép Dung Quất và trích lập khấu hao từ năm 2020.