Các dữ liệu thống kê thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, trong tuần thứ 4 của tháng 6.2022, tỷ giá trung tâm tăng 16 đồng, từ 23.089 VND/USD lên mức 23.105 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại kết thúc tuần cũng tăng 21 đồng, từ mức 23.231 VND/USD lên mức 23.252 VND/USD.
"Đây là mức tỷ giá ngân hàng thương mại cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện tại, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng 1,87% so với cuối năm 2021", BVSC nhận định.
Nguyên nhân được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành. Fed liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022; mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh
Đối với các Doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các hoạt động nhập khẩu, diễn biến thị trường này không phải là một tin tức đáng mừng.
Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát là một ví dụ.
Tính đến hết quý I, Hòa Phát hiện đang dư nợ gần 60.000 tỷ đồng, trong đó chiếm hơn 80% là vay ngắn hạn, còn lại là vay trung dài hạn.
Tình hình vay nợ của Hòa Phát trong 3 năm gần nhất. Tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.
Trong đó, theo diễn giải ở phần thuyết minh số 24 - Vay, số dư vay ngắn hạn bằng USD tại thời điểm cuối năm 2021 của Hòa Phát có giá trị quy đổi là 19.844 tỷ VNĐ. Khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 1,2% đến 2,3%/năm
Ngoài ra doanh nghiệp có 1 khoản vay trung dài hạn (đáo hạn 2025) của Ngân hàng BNP Paribas bằng USD với dư nợ quy đổi tại 31/12/2021 là 2.821 tỷ VNĐ, với lãi suất bằng lãi suất LIBOR 2,05%/năm.
Theo quy định, khi lập báo cáo tài chính, số dư các khoản vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ phải được đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập BCTC. Chính điều này sẽ làm phát sinh khoản lỗ/lãi tỷ giá hối đoái, tương ứng được ghi nhận vào chi phí tài chính/doanh thu tài chính trong kỳ của doanh nghiệp.
BCTC hợp nhất 2021 Hòa Phát ghi nhận: Tổng Lỗ chênh lệch tỷ giá là 1.081 tỷ đồng; Lãi chênh lệch tỷ giá là 1.306 tỷ đồng.
Với diễn biến tỷ giá USD/VNĐ tăng trong 6 tháng đầu năm vừa qua, có thể sẽ tác động đến tương quan Lãi - Lỗ chênh lệch tỷ giá trên BCTC bán niên 2022.
Tuy nhiên, đó chỉ là hạch toán về mặt tài chính tại thời điểm. Đừng quên, Hòa Phát có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu.
Không có con số cụ thể nhưng theo doanh nghiệp, đối với thị trường xuất khẩu, thép Hòa Phát duy trì mức cao nhờ khai thác được một số thị trường mới như Singapore, Hồng Kông. Đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như Canada, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan,…vẫn diễn ra đều đặn.
Dòng ngoại tệ chảy về doanh nghiệp sẽ "cân" lại tác động của việc tỷ giá USD/VNĐ tăng.
Một khía cạnh khác khi USD lên giá so với VNĐ đó là chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển quốc tế,... sẽ bị cao hơn.
Đến đây mới thấy tính toán của chủ tịch Trần Đình Long và các cộng sự khi mua lại mỏ quặng sắt ở Úc hay mạnh tay đầu tư cảng biển, tàu hàng vận chuyển đem lại sự chủ động cho doanh nghiệp như thế nào.
Câu chuyện về việc tỷ giá USD tăng có lẽ chưa dừng lại ở quý II. Theo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022 của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.300 trong quý III/2022 và 23.400 trong quý IV/2022.
Do còn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh cho dự án Hòa Phát - Dung Quất 2, toàn bộ máy móc, thiết bị quan trọng đều được nhập khẩu nên việc USD trở nên "đắt đỏ" hơn cũng có thể khiến chi phí đầu tư đội lên nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng.