Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách người giàu nhất Thế giới với sự xuất hiện của bốn tỷ phú Việt Nam. Ngoài ông Phạm Nhật Vượt (VinGroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) thì trong lần công bố này đã xuất hiện hai gương mặt mới là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long và Chủ tịch Ô tô trường Hải – ông Trần Bá Dương với khối tài sản lần lượt là 1,3 tỷ USD và 1,8 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Hòa Phát và Trường Hải đang nổi lên là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nặng với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo báo cáo được công bố, năm 2017, Hòa Phát đạt sản lượng tiêu thụ thép kỷ lục lên tới 3 triệu tấn, tăng 25% so với năm trước đó. Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép có thị phần lần lượt là 24% và gần 27%.
Với mức tiêu thụ thép tăng mạnh trong năm 2017, doanh thu Hòa Phát đạt 46.162 tỷ đồng – tăng 39%; Lợi nhuận sau thuế đạt 8.007 tỷ đồng – tăng 22% so với năm trước và đây đều là con số kỷ lục của Tập đoàn.
Còn với Trường Hải, trong năm 2017 tập đoàn này tiêu thụ tổng cộng 89.602 ô tô, giảm 21% so với năm trước đó nhưng vẫn chiếm xấp xỉ 36% thị phần ô tô toàn quốc. Việc tiêu thụ xe trong năm 2017 của Trường Hải giảm sút là câu chuyện chung của ngành ô tô Việt Nam khi người dân có tâm lý chờ đợi đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean về mức 0%.
Sức tiêu thụ ô tô giảm sút trong năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Trường Hải. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu Trường Hải chỉ đạt 35.123 tỷ đồng – giảm 15%; Lợi nhuận sau thuế đạt 3.220 tỷ đồng – giảm 40% so với năm trước đó.
(*) Số liệu Thaco trong 9 tháng đầu năm 2017
So với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực như Hoa Sen, Nam Kim, VnSteel, Pomina…(thép), TMT, Trường Long, Hoàng Huy (ô tô) thì Hòa Phát và Trường Hải có một khoảng cách rất lớn. Doanh thu Hòa Phát trong năm 2017 bằng xấp xỉ 2 doanh nghiệp lớn ngành thép trên sàn chứng khoán là Hoa Sen và Nam Kim cộng lại.
Về quy mô tài sản, trong nhiều năm qua, Hòa Phát và Trường Hải khá tương đồng nhau. Tính tới cuối năm 2017, tổng tài sản Hòa Phát đạt 53 nghìn tỷ đồng. Còn với Trường Hải (số liệu 9 tháng đầu năm) có tổng tài sản hơn 55 nghìn tỷ đồng.
(*) Số liệu Thaco trong 9 tháng đầu năm 2017
Đầu tư mạnh vào bất động sản, nông nghiệp
Hòa Phát hiện đang triển khai siêu dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất với quy mô 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 50 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ củng cố vững chắc vị thế số 1 của Hòa Phát trong ngành thép Việt Nam.
Bên cạnh những dự án lớn về tôn, thép, Hòa Phát đang dần lấn sang lĩnh vực bất động sản với dự án Mandarin Garden 1 (đã bàn giao) và Mandarin Garden 2 (phần lớn sẽ hạch toán trong quý 1/2018) và một số dự án Khu công nghiệp.
Về lĩnh vực nông nghiệp, dù còn khá mới mẻ nhưng theo Hòa Phát, trong năm 2018, tập đoàn sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Úc. Quý 1/2018, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời sẽ chính thức cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam. Mục tiêu của Hòa Phát trong 5 năm tới là bán 300 triệu quả trứng gà mỗi năm, 75 nghìn con bò thịt, 650 nghìn lợn thương phẩm và 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Tương tự Hòa Phát, bên cạnh lĩnh vực ô tô truyền thống, Trường Hải cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp. Với bất động sản, Trường Hải bắt đầu tham gia với việc nắm quyền kiểm soát CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, mới đây Trường Hải đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Trước đó, trong năm 2016, ông Trần Bá Dương từng cho biết sẽ xây dựng mô hình trồng lúa áp dụng khoa học công nghệ cao.