Ngày 22/4 tới đây, Tập đoàn Hoà Phát tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021. Một trong số nội dung đại hội ngoài báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, nội dung thực hiện Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 thì một nội dung đáng chú ý đó là xin ĐHCĐ chấp thuận cho ông Trần Đình Long và người có liên quan mua cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Cụ thể, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát và con trai là ông Trần Vũ Minh không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai khi gián tiếp hoặc trực tiếp sở hữu cổ phần đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 55%, 65%, 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Hoà Phát.
Số cổ phiếu ông Long và gia đình đang nắm giữ
Ông Trần Đình Long tại thời điểm 30/11/2020 đang nắm giữ 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% cổ phần, vợ ông là bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 243,06 triệu cổ phần, Trần Vũ Minh con trai ông Long đang nắm giữ 48 triệu cổ phiếu. Như vậy gia đình ông Long hiện đang nắm giữ 1.155.600.000 cổ phiếu HPG, tương đương 34,877% công ty. Giá trị cổ phiếu gia đình ông Long đang nắm giữ ngày hôm nay, với giá HPG ở mức 51.000 đồng/cp đạt 58.935 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 tỷ USD.
Số cổ phiếu HPG ông Trần Vũ Minh mua ở giai đoạn HPG giao dịch vùng 17.000 – 18.000 đồng/cp (trước chia thưởng 30%), hiện tại giá trị cổ phiếu này đã tăng gấp 3, tài sản ông Minh đang trực tiếp sở hữu là 2.448 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 91.279 tỷ đồng và 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 41% và 78% so với cùng kỳ 2019, vượt 6% và 50% kế hoạch kinh doanh.
Năm 2020, Hoà Phát lập kỷ lục khi bán 6,77 triệu tấn các loại thép thành phẩm, gấp 2,2 lần so với năm 2019. Trong đó, thép xây dựng chiếm 3,4 triệu tấn, phôi thép 1,77 triệu tấn, thép cuộn cán nóng 577.000 tấn, ống thép 822.000 tấn và 175.000 tấn tôn mạ. Thị phần thép xây dựng và ống thép Hoà Phát lần lượt là 32,5% và 31,7% cả nước.
Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 12% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn. Doanh thu tăng 32% và LNST gấp 3 lần so với năm 2019. Năm 2020, Hoà Phát xuất chuồng 385.000 đầu heo, tăng 18%, tiêu thụ 150.000 con bò Úc, tăng 12% so với năm 2019. Trứng gà cấp ra thị trường 165 triệu quả trứng/năm, tương đương 700.000 quả/ngày.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp 4% doanh thu và 6% LNST. Công ty tập trung vào dự án Khu đô thị Phố Nối A với diện tích 262ha tại Hưng Yên. Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng thêm 92,5ha nâng tổng diện tích KCN lên 686,5ha, đã đền bù đc 50% diện tích. KCN Yên Mỹ II diện tích 200ha đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, bắt đầu mở cửa đón nhà đầu tư và đang làm thủ tục xin phê duyệt dự án KCN số 6 Lý Thường Kiệt diện tích 217ha.
Năm 2021, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng và LNST 18.000 tỷ đồng.
Về dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất 2, dự kiến 5,6 triệu tấn/năm trong đó HRC dự kiến 4,6 triệu tấn/năm, thép thanh, thép dây chất lượng cao dự kiến 1 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, vốn cố định 70.000 tỷ và vốn lưu động 15.000 tỷ. Dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp Giấy phép xây dựng.
Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam
Quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ. Mức sản lượng này đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Đứng thứ hai là Formosa Hà Tĩnh với sản lượng 1,62 triệu tấn, thấp hơn 20% so với sản lượng của Hòa Phát.
Riêng trong tháng 3, Hòa Phát đạt 700.000 tấn thép thô, tăng 56% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thị phần thép xây dựng, ống thép Hòa Phát giữ vị trí số 1 Việt Nam, lần lượt là 33,8% và 30,19%. Tôn Hòa Phát cũng góp mặt trong Top 5 DN có thị phần lớn nhất với gần 6%.
Sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm trong đó bao gồm trên 5 triệu tấn thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất là lớn nhất với sản lượng sản xuất đạt 5,2 triệu tấn/năm, tiếp đến là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương với 2,5 triệu tấn/năm. Tổ hợp luyện cán thép tại Hưng Yên công suất 400.000 tấn/năm. Dự kiến khi hoàn thành dự án Hòa Phát Dung Quất 2, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm.