Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã có trên 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn trong tháng 1 đạt khoảng 1.000 xe/ngày.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất đạt gần 23.000 tấn với giá bán tăng khá so với trước đây. Giá sầu riêng hiện tại từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng hiện tại từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.
Khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Hiện 80% hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn là trái cây. Mặc dù sản lượng tăng mạnh trong thời gian qua nhưng người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu cùng cần nhận thức rõ những thay đổi ngày càng cao từ thị trường Trung Quốc. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cũng như người nông dân Việt Nam đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu đã có nhiều năm buôn bán với Trung Quốc. Các sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu là trái cây chế biến như hoa quả sấy khô, nước ép trái cây đóng lon. Dù đã có nhiều kinh nghiệm giao thương với phía bạn nhưng việc Trung Quốc liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua hai lần sửa đổi luật an toàn thực phẩm cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
"Phía Trung Quốc thường đưa ra những thông báo thay đổi khá đột ngột khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động trong khẩu chuẩn bị, đặc biệt với doanh nghiệp mới làm với Trung Quốc có yêu cầu cao về tiêu chuẩn và quy trình không kịp trở tay", ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết.
Trung Quốc đang hướng tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Ảnh minh họa.
Trung Quốc đang hướng tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.
Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Ví dụ 1 mã code xuất khẩu thanh long từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp mất đến 6 - 7 tháng. Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì chi phí cho công nhân, nhà xưởng… gây tốn kém nhiều".
Việc ứng dụng số hóa vào thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc còn yếu. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
"Việt Nam là thị trường tôi đánh giá rất tiềm năng. Vai trò Hiệp hội chúng tôi là hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp hai nước có thể hiểu rõ chính sách của nhau, từ đó việc giao dịch sẽ tiến hành thuận lợi hơn, đảm bảo lợi ích giữa các bên được hài hòa. Hiện chúng tôi có văn phòng tại Nam Ninh, Bằng Tường, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để sẵn sàng kết nối doanh nghiệp hai nước sang tìm hiểu thị trường của nhau để thúc đẩy hoạt động giao thương trong thời gian tới", bà Điền Nguyệt Khiết - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến sản phẩm nông sản Bằng Tường - ASEAN thông tin.
Giải pháp năng cao chất lượng nông sản
Năm ngoái, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm chưa đến 5% tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của nước này, trong khi dư địa còn rất lớn.
Vì vậy để tận dụng tối đa các lợi thế của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chất lượng nông sản Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem nay là năm chuẩn hóa các công tác quản lý từ khâu canh tác, logistics. Đồng thời, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để tạo ra sức phát triển mới cho cộng đồng.