Đánh giá tiềm năng xuất khẩu của hoa quả Việt, đại diện Cty cổ phần Nafoods Group cho hay, hiện tại, trên toàn Việt Nam có từ 5.000 đến khoảng 6.000ha chanh leo cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, xu thế của thế giới hiện cũng rất ưa chuộng chanh leo Việt Nam, nếu tận dụng tốt cơ hội, chanh leo Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Theo nhận định từ ông Phạm Duy Thái, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Cty cổ phần Nafoods Group, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, thị trường Trung Quốc sẽ khan hiếm rất nhiều mặt hàng. Sau khi dịch Covid – 19 kết thúc, lượng nông sản, đặc biệt là chanh leo xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng mạnh.
"Cụ thể tăng bao nhiêu phần trăm thì rất khó nói. Song khi một đất nước bị khó khăn do dịch bệnh, nhập khẩu hạn chế, nuôi trồng cũng hạn chế, thì nhu cầu với nông sản sẽ tăng rất cao. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng sau Covid-19, Trung Quốc sẽ "càn quét" hết chanh leo Việt Nam", ông Thái cho hay.
Ngoài ra, vị lãnh đạo của Nafoods cũng cho hay, không dừng lại ở thị trường Trung Quốc, nhu cầu ngay chính tại các nước được coi là "nguồn gốc" chanh leo như Brazil, Ecuador, Peru, Colombia cũng tăng cao. Điển hình như Brazil, vốn là quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất thế giới, song giờ đây nước này vẫn phải nhập khẩu chanh leo.
Ngoài việc nhu cầu cơ bản ở các nước này vốn dĩ đã rất lớn, tác động của biến đổi khí hậu đến thổ nhưỡng khiến năng suất chanh leo tại Peru hay Colombia bị ảnh hưởng, không đáp ứng được nhu cầu người dân.
Ngoài ra, theo giới chuyên môn đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, thì lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt nói chung và chanh leo nói riêng sẽ mạnh lên.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, đối với sân chơi lớn như EU, cần thay đổi rất lớn về tư duy và cách làm nông sản. TS. Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, các nước châu Âu sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn, thường xuyên với các cam kết đảm bảo cho DN Việt Nam.
Đặc biệt đối với các ngành hàng hoa quả, với lợi thế của nước nhiệt đới, EU là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam, tuy nhiên, tìm được đơn vị đáp ứng được hết các tiêu chuẩn không phải chuyện dễ.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trái bơ từ các nước châu Âu. Thậm chí họ đã gửi đơn sang nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn cung đủ chất lượng yêu cầu với số lượng lớn. Một số HTX làm trái cây xuất khẩu nhưng năng lực sản xuất còn yếu, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch vùng trồng một cách chuyên nghiệp, vẫn theo kiểu tự phát.
Trong khi hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đi châu Âu rất phức tạp, HTX phải có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, có các chứng chỉ được châu Âu công nhận. Chúng tôi đã đi khắp Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đa phần các vùng trồng còn không có chứng chỉ GlobalGAP", TS. Đào Thế Anh nói.
Ngoài ra, TS. Đào Thế Anh thông tin thêm, tại Việt Nam các dịch vụ hậu cần cho ngành hàng xuất khẩu như chiếu xạ, đông lạnh còn quá ít và đắt. Ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu là hàng tươi, ít chế biến dẫn đến khâu bảo quản phức tạp, không lưu trữ được lâu. Bên cạnh đó, ngành logicstic kém phát triển làm giảm năng lực cạnh tranh nông sản xuất khẩu.
"Hiện nay, chúng ta hướng tới việc làm ăn với thị trường cao cấp, chuyên nghiệp nên cần giữ uy tín. Chúng ta cần đảm bảo các tiêu chuẩn giảm tỉ lệ bị trả về, tránh tình trạng một DN làm sai, cả ngành hàng xuất khẩu bị mất uy tín. Tôi đánh giá đợt dịch bệnh này cũng có một mặt lợi là các doanh nghiệp, người sản xuất sẽ phải thay đổi tư duy, cách làm để hướng tới hoạt động xuất khẩu chính ngạch" TS. Đào Thế Anh khẳng định.