HĐQT Hoa Sen Group (HSG) vừa công bố nghị quyết về việc thông qua kết quả chuyển nhượng bất động sản tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM để thu hồi vốn đầu tư. Chi tiết, HSG chuyển nhượng hai thửa đất có diện tích 4.156 m2 và 3.000 m2. Giá trị chuyển nhượng theo diện tích đo đạc thực tế là gần 140 tỷ đồng. Được biết, thời gian hoàn tất chuyển nhượng là ngày 6/11/2018.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh doanh tại HSG đang sụt giảm mạnh, khi quý cuối niên độ 2017-2018 Công ty ghi nhận lỗ đến 102 tỷ đồng. Chi tiết, trong kỳ doanh thu Công ty đạt 8.566 tỷ, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp HSG giảm mạnh từ 1.131 về còn 724 tỷ đồng. Lũy kế cả niên độ, HSG ghi nhận 34.441 tỷ doanh thu và 410 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/9/2018, nợ vay của HSG tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu HSG cũng đang rơi về vùng đáy, hiện giao dịch quanh mức 8.500 đồng/cp. Mới đây, HSG vừa mua lại 13.100 cổ phiếu của cán bộ công nhân viên tham gia phát hành cổ phiếu năm 2017 nghỉ việc để làm cổ phiếu quỹ, giá 10.000 đồng/cp. Nguồn mua lại từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Gặp khó từ lỗ tỷ giá, bên cạnh chi phí lãi vay và sản xuất kinh doanh
Nhắc lại những vấn đề hiện hữu với HSG, (1) biên lợi nhuận gộp tiếp tục kéo dài đà giảm khi giá HRC (thép cuộn cán nóng) đầu vào và cạnh tranh gia tăng. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất tôn mạ trong nước cùng với việc giá HRC tăng cao (giá HRC trung bình 9 tháng 2018 tăng 18%) tiếp tục là những lý do chính khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Cùng với đó, (2) chi phí lãi vay tác động mạnh đến lợi nhuận và làm xấu đi tình hình tài chính của HSG. Chi tiết, chi phí lãi vay tăng mạnh 68% trong năm tài chính 2018 do tổng mức vay nợ của HSG tăng 21%, đạt 14.300 tỷ đồng so với cuối năm tài chính 2017. Tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của HSG đang ở mức cao 2,69 lần tại cuối năm tài chính 2018.
Mặt khác, (3) lỗ tỷ giá cao hơn dự kiến cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Với việc giảm tỷ lệ sản lượng xuất khẩu trong tổng sản lượng bán ra, HSG nhận về lượng ngoại tệ ít hơn để có thể bù trừ rủi ro tỷ giá do VND trược giá 2,57% so với USD trong năm tài chính 2018 cho phần nguyên liệu HRC nhập khẩu. Do đó HSG ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 191 tỷ đồng trong năm tài chính 2018 so với mức 98 tỷ đồng trong năm 2017, VCSC cho biết.
Vẫn còn điểm màu sáng
Nói đi cũng nói lại, trong nhiều cái khó, bức tranh kinh doanh tại HSG vẫn có điểm sáng khi sản lượng bán ổn định, đặc biệt là tại thị trường nội địa.
Đi sâu vấn đề, HSG ghi nhận 8% tăng trưởng sản lượng tôn mạ bán ra trong quý 4 niên độ 2017-2018 và 11% cho cả năm tài chính 2018 (tương đương 1,28 triệu tấn). Tình hình cạnh tranh khốc liệt tại thị trường tôn mạ trong nước, kết quả của việc tăng trưởng công suất lớn trong giai đoạn 2016-2018 từ các công ty đầu ngành, đã gây nhiều sức ép cho tất cả các công ty tôn mạ kể cả HSG.
Nhận định, VCSC cho rằng việc tăng trưởng sản lượng tôn mạ bán ra của công ty chủ yếu được dẫn dắt bởi thị trường nội địa với sản lượng tôn mạ bán ra trong nước của HSG tăng 18% so với năm tài chính 2017. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của HSG ghi nhận tăng trưởng khiêm tốn hơn ở mức 5% so với năm tài chính 2017, qua đó khiến tỷ trọng sản lượng tôn mạ xuất khẩu trong tổng sản lượng bán ra giảm từ 51% trong năm tài chính 2017 xuống 48% trong năm nay.
Trước bối cảnh thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn và thị trường xuất khẩu có nhiều rủi ro từ chiến tranh thương mại, việc HSG có thể dịch chuyển nhiều sản lượng bán ra về thị trường nội địa là một điểm sáng đáng cân nhắc.
Ở mảng ống nhựa, HSG cũng ghi nhận tăng trưởng sản lượng lành mạnh ở mức 13%, đạt 422,900 tấn trong năm tài chính 2018. Với kết quả này, HSG tiếp tục giữ vững 34% thị phần tôn mạ và 18% thị phần ống thép hiện nay.