Một số nội dung được đề cập đến trong văn kiện đó là Hoa Sen muốn tái cấu trúc mô hình hoạt động của tập đoàn để nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tăng hiệu quả hoạt động theo từng mảng kinh doanh, đồng thời gia tăng giá trị đầu tư cho cổ đông.
Theo đó, HSG sẽ chuyển đổi một công ty TNHH MTV thành Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới Công ty Cổ phần Phân phối Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home.
Dự kiến khi 2 công ty trên đủ điều kiện theo quy định pháp luật, Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục trình Đại hội cổ đông vào các kỳ tiếp theo thông qua việc IPO và niêm yết 2 công ty này trên thị trường chứng khoán (dự kiến HoSE) vào thời điểm phù hợp.
Thời điểm hiện tại, Hoa Sen chủ trương và ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm, lựa chọn Công ty dịch vụ tư vấn để thiết lập phương án chi tiết khả thi. HĐQT sẽ xem xét, đánh giá phương án một cách cẩn trọng, đảm bảo lợi ích của cổ đông và phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai, trước khi trình cổ đông phương án chi tiết triển khai thực hiện trong các kỳ họp tiếp theo.
Về các nhiệm vụ trọng tâm của Hoa Sen trong năm nay sẽ bao gồm: Phát triển hệ thống siêu thị VLXD và nội thất HOA SEN HOME; Mở rộng danh mục sản phẩm kinh doanh trong lĩnh vực VLXD – nội thất; Triển khai Dự án CNTT – ERP giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng công bố kế hoạch kinh doanh cho niên độ mới 2021 - 2022. Chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ sẽ là 2 triệu tấn, giảm hơn 11% so với thực hiện năm ngoái. Doanh thu kế hoạch là 46.399 tỷ đồng, giảm gần 5%. Lợi nhuận sau thuế dao động từ 1.500-2.500 tỷ đồng, giảm đi nhiều so với mức 4.313 tỷ đồng của năm ngoái.
Kế hoạch trên được giả định trên cơ sở giá HRC là 750 USD/tấn trong 6 tháng đầu niên độ 2021 – 2022. Và dựa trên dự báo của Hoa Sen, sản lượng xuất khẩu thép sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022, giá thép cuộn cán nóng HRC dự kiến giảm 11,5%. Lãnh đạo tập đoàn nói rằng giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ của riêng Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết doanh nghiệp cùng ngành.
Theo Tập đoàn chia sẻ, năm 2021, mặc dù phải trải qua những giai đoạn bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng, nhưng Tập đoàn Hoa Sen vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, các chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Tập đoàn đều tăng trưởng ở mức cao so với các năm trước.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của HSG đạt 2,25 triệu tấn, vượt 125% kế hoạch và tăng trưởng 39%. Doanh thu thuần công ty đạt 48.727 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.313 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 274% so với cùng kỳ. Hoa Sen cho biết việc phát huy lợi thế về logistics của hệ thống nhà máy, lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh và cửa hàng trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.
Nguồn: Văn kiện ĐHĐCĐ 2021 - 2022 CTCP Tập đoàn Hoa Sen
Về thị phần, trong 11 tháng đầu năm 2021, Hoa Sen vẫn giữ nguyên vị thế dẫn đầu thị trường tôn và lọt top những doanh nghiệp có thị phần thép lớn nhất
Ngoài ra, HĐQT HSG còn trình phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 20%, và phát hành cổ phiếu cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị - điều hành chủ chốt trong năm 2022 với khối lượng phát hành tối đa là 1% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu.