Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông , từ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.
Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT triển khai thi công dự án thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với thiết kế chiều dài đoạn thí điểm cát biển là 300m dùng thi công cho các lớp cát đắp có độ chặt 95% (K95) có chiều dày lớp đắp cát biển từ 0,5m - 1m.
Các đơn vị đã hoàn thành công tác thi công đoạn thí điểm trong tháng 7, thông xe trong tháng 8. Kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu cát biển thí điểm đắp nền đường cho thấy cát biển khai thác từ mỏ cát tại Trà Vinh có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 - Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu; công tác thi công cát biển được thực hiện tương tự cát sông và đạt yêu cầu về độ chặt K³0,95, chỉ số CBR và mô đùn đàn hồi E của nền nền cát cho kết quả tương tự cát sông.
Mẫu cát biển được phân tích đánh giá chất lượng trầm tích khoáng sản thông qua phân tích 19 chỉ tiêu hóa học cũng cho kết quả các chỉ tiêu đã được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43:2017/BTNMT.
Đồng thời, quá trình quan trắc nền đường hàng tháng đã chỉ ra độ lún đến giữa tháng 12 không có dấu hiệu bất thường và chuyển vị ngang là không đáng kể. Điều này sơ bộ khẳng định được độ ổn định của nền đường đến nay là bình thường.
Về quan trắc các thông số môi trường sau 8 tháng, môi trường nền tại hai bên đoạn thử nghiệm đã bị nhiễm mặn trước khi thi công thí điểm và chưa có bằng chứng biểu hiện rõ ràng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh. Thực tế, khu vực này người dân canh tác theo mô hình lúa - tôm xen canh, thông thường 2 vụ tôm, 1 vụ lúa một cách bình thường.
Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ xem xét triển khai thử nghiệm mở rộng với quy mô lớn hơn đường cao tốc, ưu tiên các dự án tại khu vực tương tự khu vực đã triển khai thí điểm để có thể đánh giá được đầy đủ ảnh hưởng của tải trọng động với quy mô đường cao tốc về lâu dài.
Bên cạnh đó, xem xét sử dụng cát biển đắp nền đường đối với các đường của địa phương trong khu vực ĐBSCL tại các khu vực có điều kiện môi trường tương tự với khu vực đã thực hiện thí điểm nhằm giảm áp lực cát sông. Trong đó, ưu tiên các dự án tại các vùng bị nhiễm mặn như Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…
Ngoài ra, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng lưu ý cát biển tại vùng biển Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ có thể khai thác được trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, thời gian còn lại không thể tổ chức khai thác do vào mùa gió chướng, biển động. Điều này cần phải được quan tâm khi lập kế hoạch triển khai các dự án.
Mới đây, đó Bộ TNMT cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" và đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức buổi lễ bàn giao một số kết quả dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL để triển khai công tác khai thác.