Theo đó, tại cuộc họp, 2 bên đã bàn để hoàn thiện phương án cuối cùng. Để có phương án cuối cùng tối ưu nhất, ngoài việc xác định vị trí và quy mô, hiện nay 2 địa phương Đồng Nai và Tp.HCM đang đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng cầu Cát Lái.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, dự án xây dựng cầu Cát Lái qua 2 địa bàn với mục tiêu kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện Sở GT-VT được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư nên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định. Vì vậy, tỉnh cũng đang phối hợp với Tp.HCM để xác định phạm vi, quy mô, khối lượng giải phóng mặt bằng... nhằm có cơ sở lên phương án tài chính làm cầu Cát Lái.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cũng yêu cầu đơn vị tư vấn lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam về tĩnh không cầu, đảm bảo phù hợp với luồng hàng hải và hiện trạng khu vực làm cơ sở lựa chọn phương án kết cấu nhịp phù hợp cho cầu Cát Lái. Theo ông Từ Nam Thành, phương án về độ tĩnh không cầu được đề nghị xem xét là cầu Cát Lái sẽ có chiều cao tĩnh không 55m, đảm bảo cho tàu có trọng tải 60 ngàn tấn có thể ra vào cảng Cát Lái bình thường.
Song song đó, tại cuộc họp 2 bên cũng bàn về các phương án làn xe, cơ bản sẽ ưu tiên phương án cầu 6 làn xe. Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu.
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, lên các phương án thực hiện xây dựng cầu Cát Lái để có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng Tp.HCM nhằm thống nhất phương án xây dựng cầu.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã thống nhất lựa chọn 2 phương án gồm: phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy, đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn Q.2 (Tp.HCM), sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Đối với phương án này, cầu Cát Lái sẽ có 3 quy mô lựa chọn gồm 4, 6 và 8 làn xe.
Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn Q.2 (Tp.HCM) sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Với phương án 2, cầu Cát Lái có 2 quy mô chọn lựa gồm 6 và 8 làn xe.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, sau khi xem xét các phương án, các đơn vị liên quan cơ bản ủng hộ việc xây dựng cầu Cát Lái với quy mô 6 làn xe. Về vị trí, cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 – Tp.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km).
Đây được xem là phương án cơ bản được ủng hộ do đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái. Đồng thời, tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy (Q.2, Tp.HCM), giảm tai nạn giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, để đưa ra phương án cuối cùng thì các cơ quan chức năng của 2 địa phương sẽ tiếp tục làm việc để thống nhất trong thời gian tới.