Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu HAGL đạt 923 tỷ, giảm hơn 68%, Công ty theo đó báo lỗ ròng 691 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn trăm tỷ. Được biết, trong kỳ HAGL không còn nguồn thu từ bò, bất động sản, ớt và dịch vụ cho thuê. Nửa đầu năm, doanh thu trái cây giảm hơn phân nửa về 607 tỷ, trong khi doanh thu từ bán mủ cao su tăng mạnh từ 55 tỷ lên 119 tỷ đồng.
Liên quan đến mảng cao su, tính đến cuối năm 2018, HAGL đã và đang duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.
Mới đây, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa công bố Nghị quyết về việc chuyển nhượng vốn góp thuộc sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương. Theo đó, Công ty sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại đơn vị này cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (THADI).
Tính đến cuối quý 2/2019, HAGL có 49.206 tỷ giá trị tài sản, nợ vào khoảng 34.168 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 15.038,5 tỷ. Công ty đang mượn tạm (ghi nhận tại phải trả ngắn hạn) với bầu Đức hơn 1.500 tỷ đồng, mượn tạm phải trả dài hạn hơn 1.000 tỷ.
Trên thị trường, sau đợt tăng mạnh gần đây, cổ phiếu HAG đã điều chỉnh mạnh về mức 5.230 đồng/cp. Mới đây, HAGL có phát đi thông báo đăng ký bán 60 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico, mục đích nhằm tái cấu trúc tài chính. Được biết, hiện HAGL đang nắm giữ hơn 513 triệu cổ phiếu HNG, trong đó đại diện HAGL sở hữu 512,7 triệu cổ phiếu và cá nhân sở hữu 505 triệu đơn vị còn lại. Nếu giao dịch lần này thành công, HAGL sẽ giảm sở hữu tại HAGL Agrico về 452,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 51,04% (so với tỷ lệ trước giao dịch gần 58%).