Dự án Nhà máy Bột và Giấy Tân Mai (xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ) do Công ty CP Tân Mai Miền Trung làm chủ đầu tư, được kỳ vọng là một trong những dự án lớn nhất của ngành giấy. Thế nhưng, dự án này đã bị "chết yểu" sau 1 năm xây dựng dở dang.
Thiết bị mục nát, hư hỏng
Có mặt tại Nhà máy Bột và Giấy Tân Mai, chúng tôi chứng kiến khung cảnh hoang tàn chẳng khác nào một bãi tập kết phế liệu. Các hạng mục xây dựng nhà xưởng dở dang, xuống cấp trầm trọng. Hàng ngàn tấn thiết bị đắt tiền nằm ngổn ngang trên khu đất rộng lớn, hầu hết đã bị hư hỏng, gỉ sét.
"Trong khi người dân bị giải tỏa thiếu đất sản xuất, việc nhà máy bỏ hoang như thế từ chục năm qua là phí lắm!" - ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân có nhà gần bên Nhà máy Bột và Giấy Tân Mai, bày tỏ thất vọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 8-2008, Công ty CP Tân Mai Miền Trung được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên. Tháng 3-2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho dự án với công suất 130.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giấy in cao cấp mỗi năm, tổng vốn ban đầu gần 1.950 tỉ đồng.
Đến tháng 7-2010, dự án khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 45 ha, dự kiến hoàn thành trong 2 năm. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư 5 lần điều chỉnh dự án và vào tháng 11-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 3, điều chỉnh vốn lên 5.007 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm 80%.
Thế nhưng, từ sau khi khởi công, đổ gần 2.000 tỉ đồng vào việc mua trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, dự án đã bị dừng lại. Ông Lê Quang Phúc, Phó Giám đốc Nhà máy Bột và Giấy Tân Mai, xác nhận do gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng nhà máy ngưng trệ. Trong lúc chờ giải quyết, nhà máy bố trí 9 nhân viên canh giữ tài sản, trang thiết bị đang bỏ mặc ở công trình.
Dự án Nhà máy Bột và Giấy Tân Mai với hàng ngàn tấn thiết bị, máy móc bị bỏ hoang
Buộc thu hồi dự án
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định thanh tra toàn diện dự án. Kết quả cho thấy nhà đầu tư vi phạm nhiều nội dung về tiến độ sử dụng đất , tiến độ thực hiện dự án, nguồn vốn đầu tư...
Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ thiết bị, công nghệ được chủ đầu tư mua thanh lý từ một nhà máy ở Canada vào năm 2007. Tuy nhiên, do các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được.
Trong khi đó, nhà đầu tư mới chỉ tập kết về công trình 497/612 container với 184/212 thiết bị siêu trường, siêu trọng. 5 container còn lại đang ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và 119 container với 28 thiết bị siêu trường, siêu trọng ở cảng Đồng Nai.
Cũng theo kết luận thanh tra, đến tháng 5-2017, tổng số vốn còn thiếu chưa xác định được nguồn nào để đầu tư là hơn 1.900 tỉ đồng; chưa tính nguồn vốn mà ngân hàng ngừng cho vay hơn 1.000 tỉ đồng.
Dựa trên kết quả thanh tra, ông Trần Ngọc Căng khẳng định chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, không có phương án tài chính khả thi, hiệu quả để khôi phục dự án. Vì lý do này, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ra văn bản chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục, trình UBND tỉnh thu hồi diện tích 45 ha đã cấp cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, khi triển khai dự án, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cấp hơn 286 ha đất để trồng rừng nguyên liệu giấy. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang tính phương án thu hồi hơn 200 ha đã cấp nhưng chủ đầu tư chưa triển khai, 86 ha còn lại giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý.