Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2018.
Theo đó, đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 167.328 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 113.901 tỷ đồng, tăng 14,6%. Trong khi đó tiền gửi của khách hàng lại sụt giảm nhẹ 0,6% xuống mức 127.542 tỷ đồng.
Trong quý 3, thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank sụt giảm 7% chỉ đạt 1.266 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 21 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 9 tỷ), hoạt động kinh doanh khác bị lỗ 57 tỷ đồng.
Điểm sáng là hoạt động dịch vụ có lãi 42 tỷ, tăng 76% so với cùng kỳ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bất ngờ tăng hơn 8 lần đạt 86 tỷ đồng.
Trong khi tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng nhẹ 4% đạt 1.315 tỷ đồng thì chi phí hoạt động tăng 21% lên 764 tỷ đồng trong quý 3. Cùng với việc tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 89% lên 204 tỷ đồng) đã khiến cho lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank chỉ còn 348 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Giải thích cho việc chi phí hoạt động tăng, LienVietPostBank cho biết do đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới đã được NHNN cấp phép nên các chi phí như đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ, chi phí nhân sự, quản lý tăng. "Đây là chiến lược phát triển của LienVietPostBank nhằm cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới đông đảo đối tượng khách hàng trên khắp cả nước", LienVietPostBank cho biết.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ đạt 1.014 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 1.434 tỷ. Lợi nhuận ròng đạt 826 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ. Dẫu vậy so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 (đã điều chỉnh giảm 30% so với mục tiêu ban đầu) thì vẫn đạt 84%.
Tổng nợ xấu đến cuối quý 3/2018 là 1.524 tỷ đồng, chiếm 1,32% tổng dư nợ cho vay của nhà băng này, cao hơn so với con số 1,07% cuối năm 2017.
Hồi tháng 8/2018, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ xuống 1.200 tỷ đồng, tương đương mức giảm 30%. Tổng tài sản giảm từ 190.000 tỷ xuống 180.000 tỷ; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170.000 tỷ xuống 160.000 tỷ; dư nợ tín dụng thị trường 1 từ 123.500 tỷ xuống 117.557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10%.