Chia sẻ tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh", ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tín dụng xanh như "nguồn mạch máu" nuôi dưỡng các mầm xanh của nền kinh tế.
Tính đến ngày 31/3, có 47 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với tổng số tiền lên đến gần 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,6% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 4,5% đối với tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tập trung vào các dự án năng lượng xanh, năng lược tái tạo, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Trích thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Quý cho biết, hoạt động kinh tế xanh Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 và chiếm khoảng 2% tổng GDP toàn quốc, cùng vơi đà tăng trưởng 10 - 13%/năm trong giai đoạn 2018 - 2021. Trong đó, 83% đóng góp từ năng lượng tái tạo.
Bà Trần Tường Vân - Giám đốc Tư vấn, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đánh giá, về cơ bản, hầu hết các ngân hàng đều có nhu cầu và mong muốn mở rộng danh mục tín dụng xanh. Nhưng làm sao để mở rộng thì lại có hai câu chuyện "trăn trở" khác nhau.
Thứ nhất, về câu chuyện kinh doanh. Làm sao mà ngân hàng có thể mở rộng thông qua những khách hàng hiện tại và những sản phẩm xanh nào mà ngân hàng có thể cho vay được?
Thứ hai, nếu không phải cho vay trên nền khách hàng sẵn có, cách nào để ngân hàng có thể tìm ra nguồn khách hàng mới để có thể cho vay.
Theo bà Vân, đây cũng là những "trăn trở" của nhiều ngân hàng và những câu chuyện này sẽ quay lại vấn đề "Thế nào là xanh?", tiêu chí phân loại "xanh" của mình như nào, nguồn vốn lấy từ đâu để cho vay "xanh"...
"Nguồn vốn xanh này có thể đến từ các tổ chức quốc tế, vay ngân hàng đối tác... đây là câu chuyện của kinh doanh. Bản thân tôi cũng thấy nhiều ngân hàng thành công trong việc mở rộng danh mục xanh bởi đã có nguồn danh mục khách hàng sẵn có", bà Vân chia sẻ.
Bình luận thêm, bà Vân chỉ ra: Khi ngân hàng có một số tệp khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có thế mạnh về các tệp khách hàng là doanh nghiệp đầu tư "xanh". Vậy ngân hàng cho vay "xanh" như thế nào?
Nếu so với Bangladesh, đất nước này cũng đã có những bước tiến với tín dụng xanh trong nền kinh tế. Bà Vân lấy ví dụ, Bangladesh đưa ra mức tối thiểu trong danh mục xanh mà ngân hàng phải đạt được, nếu không sẽ có mức xử lý phù hợp.
Còn Thái Lan, Malaysia, bà Vân chỉ ra thông tin về phát triển bền vững đang là vấn đề trọng tâm. Đây như kỳ vọng đối với các doanh nghiệp để hướng tới mục chiêu chung. "Ở phía doanh nghiệp, khi nhìn ra được kỳ vọng từ bên ngoài, doanh nghiệp sẽ tự ý thức được tôi cần làm gì để đạt được mục tiêu chung đó", bà Vân nói.