Mua bán sáp nhập (M&A) trong những năm gần đây đã trở thành một xu thế lớn trên thị trường. Nhiều Tập đoàn sử dụng M&A như 1 công cụ để mở rộng quy mô hoạt động, tăng trưởng kết quả kinh doanh. Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.
Tại Việt Nam, nhiều Tập đoàn đa ngành lớn thường xuyên sử dụng M&A như 1 chiến lược kinh doanh và đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng nhanh chóng. Trong quý 1/2022, hầu hết các tập đoàn đa ngành đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với nhiều doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận 3 chữ số như Bamboo Capital, Gelex, Masan, Sao Mai Group. Các công ty khác cũng đều đạt mức tăng trưởng cao ngoại trừ Vingroup.
Công ty có mức tăng trưởng tốt nhất là Masan Group (MSN) với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.000 tỷ, tăng 326% so với cùng kỳ, Masan cũng vượt qua Vingroup dẫn đầu về lợi nhuận nhóm doanh nghiệp đa ngành.
Về các hoạt động M&A, trong cuộc họp ĐHCĐ năm 2022 mới đây, Masan công bố đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. ("Trusting Social") có trụ sở tại Singapore. Theo thỏa thuận hợp tác, Trusting Social góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2).
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Masan cũng đã thành công chi phối 70% cổ phần Mobicast và 51% cổ phần chuỗi đồ uống Phúc Long để hoàn thiện mảnh ghép "Point of Life". Trong quý 1, riêng chuỗi Phúc Long Heritage cũng thu về doanh thu 257 tỷ đồng cho tập đoàn.
Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) là "dân chơi tài chính" mới nổi trong thời gian gần đây, quý 1 BCG lãi 659 tỷ đồng trước thuế, tăng 230% so với cùng kỳ. BCG hiện kinh doanh trên 7 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng tái tạo, Xây dựng - Hạ tầng, Bất động sản, Sản xuất - Thương mại, Tài chính - Bảo hiểm, Dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản, và Dược phẩm.
Lâu nay, BCG vẫn được biết đến với thế mạnh M&A và tái cơ cấu thành công các doanh nghiệp, các dự án tiềm năng. Tracodi (HoSE: TCD) chính là trường hợp điển hình được Bamboo Capital M&A và tái cơ cấu vô cùng thành công hay Bảo hiểm AAA đã có nhiều thay đổi tích cực sau khi về hệ sinh thái Bamboo Capital. Trong thời gian gần đây, nhân sự liên quan đến BCG xuất hiện trong hội đồng quản trị nhiều công ty như Dược phẩm Tipharco, Ngân hàng Eximbank, Khách sạn và dịch vụ OCH, Vinahud.
Năm 2022, BCG đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 7.250 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%.
Tập đoàn Gelex do đại gia "Tuấn Mượt" (Nguyễn Văn Tuấn) làm tổng giám đốc đạt mức tăng trưởng 170% chủ yếu đến từ việc sở hữu chi phối tại Tổng công ty Viglacera từ quý 2/2021.
Nhận thấy tiềm năng thị trường bất động sản nên PC1 đã gia nhập mảng này thông qua việc hợp tác đầu tư 30% vốn vào CTCP Western Pacific, ngoài ra PC1 đã thành công sở hữu 57% cổ phần Công ty cổ phần Khoáng sản Tấn Phát, qua đó sở hữu mỏ Niken - Đồng tại Hà Trì, Cao Bằng là mỏ có trữ lượng Niken lớn thứ 3 ở Việt Nam.
Tập đoàn REE trong năm 2021 cũng có 1 thương vụ M&A thành công trong năm 2021 là đã sáp nhập Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH).
Tập đoàn IPA lãi 203 tỷ đồng, tăng đến 91% chủ yếu do doanh thu tài chính tăng chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng từ 32,8 tỷ đồng lên 117,4 tỷ đồng.
Vingroup là tập đoàn đa ngành hiếm hoi lại tăng trưởng âm trong quý 1 do doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là doanh thu từ bất động sản. Dù vậy, bất động sản vẫn là mảng mang lại doanh thu chủ yếu cho Vingroup với đóng góp hơn 1 nửa vào doanh thu của tập đoàn nếu tính cả doanh thu chuyển nhượng lô lớn được hạch toán vào doanh thu tài chính. Thời gian gần đây, Vingroup đã thoái vốn tại One Mount Group, tập đoàn đang tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất xe điện và kế hoạch IPO Vinfast trên đất Mỹ.