Khi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, có 2 vấn đề quan trọng nhất khách quan tâm chính là độ tin cậy của ngân hàng và mức lãi suất. Tùy từng thời điểm mà mức độ tin cậy hay lãi suất được ưu tiên hơn. Nhưng với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong nhiều quý gần đây, có vẻ như người gửi tiền quan tâm tới uy tín của Eximbank hơn.
Kể từ năm 2013, Eximbank xuống dốc trông thấy. Nhiều quý, cổ đông chán nản khi chứng kiến ngân hàng vốn ngàn tỷ nhưng chỉ lãi vỏn vẹn vài chục tỷ đồng. Chưa hết, Eximbank còn trải qua 4 quý thua lỗ thảm. Quý 4/2015, Eximbank lỗ 463 tỷ đồng, quý 4/2014, Eximbank lỗ 678 tỷ đồng. Trong quý 4/2013, ngân hàng này “bốc hơi” 222 tỷ đồng.
Vì kết quả kinh doanh ảm đạm này, cổ phiếu EIB giao dịch dưới mệnh giá suốt thời gian dài. Hiện nay, EIB tiếp tục bị giữ nguyên diện cảnh báo do lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2017 là 167 tỷ đồng.
Với tình hình kể trên, Eximbank không phải ngân hàng được người gửi tiền tin cậy nhiều mặc dù huy động vốn tại ngân hàng này vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, chỉ tiêu tiền gửi của khách tại Eximbank đạt 117.540 tỷ đồng, tăng 15.189 tỷ đồng, tương ứng 14,8% so với năm 2016.
Huy động vốn tại Eximbank tăng trưởng dương chủ yếu do ngân hàng nỗ lực thu hút tiền gửi bằng chính sách lãi suất cao. Nếu gửi tiết kiệm theo hình thức online mở trên Internet Banking, Mobile Banking, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Hiện nay, trên thị trường ngân hàng, mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm của ngân hàng Xây dựng và ngân hàng Bản Việt. Lãi suất tại Eximbank đứng ở vị trí thứ 2. Đây được coi là mức lãi suất rất cao, thu hút được sự chú ý của khách hàng giúp chỉ tiêu tiền gửi của khách tăng trưởng dương.
Thế nhưng, đó là cách so sánh với bản thân Eximbank. Còn nếu so sánh với một vài ngân hàng có vốn điều lệ tương đương, chỉ tiêu này của Eximbank lại thấp bất ngờ. Điều đó cho thấy, bất chấp Eximbank sử dụng chính sách lãi suất tiết kiệm cao ngất ngưởng, dòng vốn lớn vẫn chọn những đơn vị khác.
Ví dụ, với 10,273 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị có vốn điều lệ thấp hơn Eximbank 2.082 tỷ đồng. Thế nhưng, huy động vốn tại ACB lại đạt 231.033 tỷ đồng, nhiều hơn tại Eximbank 113.493 tỷ đồng, tương ứng 97%. Điều đáng nói, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ACB chỉ là 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thường xuyên không được đánh giá cao về khả năng huy động vốn. Thế nhưng, Techcombank vẫn hút được khách gửi tiền nhiều hơn Eximbank. Tại thời điểm 31/12/2017, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tại Techcombank đạt 170.970 tỷ đồng, nhiều hơn tại Eximbank 53.430 tỷ đồng.
Cũng giống như ACB, Techcombank không áp dụng chính sách lãi suất cao như Eximbank. Mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này ở thời điểm hiện tại chỉ là 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Mức lãi suất thấp này không biến động nhiều trong năm qua.
Còn nếu so sánh với những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, khả năng hút vốn từ dân cư của Eximbank kém hơn hẳn. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lần lượt có chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng đạt 708.506 tỷ đồng, 859.786 tỷ đồng và 750.372 tỷ đồng.
Có thể thấy rõ, mặc dù áp dụng chính sách lãi suất cao để duy trì tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng là con số dương nhưng Eximbank vẫn chỉ đạt mức huy động vốn khiêm tốn. Chỉ tiêu này tại Eximbank khiêm tốn hơn đa số các ngân hàng có vốn điều lệ tương đương. Điều đó cho thấy, người gửi vẫn ưu tiên chọn ngân hàng có uy tín và kinh doanh hiệu quả.
Sự lựa chọn đó không phải không có cơ sở sau sự cố sếp Eximbank “cuỗm” 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc kiêm Thành Viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Bà Bình từng là phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nếu bà Bình lựa chọn gửi tiền tiết kiệm theo uy tín của ngân hàng, có lẽ tình huống xấu này đã không xảy ra.
Tuy nhiên, khi bà Bình bị sếp Eximbank “đánh cắp” 245 tỷ đồng, bà Bình không phải người duy nhất chịu thiệt hại. Eximbank cũng đã hao hụt hàng trăm tỷ đồng trong phiên giao dịch 26/2. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu EIB giảm 500 đồng/CP xuống 15.350 đồng/CP. EIB khiến vốn hóa thị trường Eximbank “bốc hơi” 615 tỷ đồng.
Bảo Linh